Chương 11
Người tốt, gã trung bình và kẻ tệ hại
Trong thời Hậu khủng hoảng, có cực kỳ ít quốc gia đủ điều kiện để
được xem là ngôi sao đang lên theo chuẩn của thời Tiền khủng hoảng. Vào
2007, một năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, số lượng các nền
kinh tế tăng trưởng cao hơn 7% đạt đến đỉnh điểm thời hậu chiến tranh với
hơn 60 nước, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Hiện nay, chỉ có chín nền
kinh tế đang tăng trưởng nhanh như vậy, và chỉ một trong số đó là khá lớn:
Ấn Độ. Nước lớn kế tiếp là Ethiopia. Và tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ có lẽ
bị phóng đại, bởi các phương pháp kế toán mới đầy xảo thuật được áp dụng
bởi Cục thống kê Quốc gia.
Kỷ nguyên mới này đặc thù với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở
mọi khu vực trên thế giới. Nền kinh tế thế giới đã bị xáo trộn bởi tác động
của sự giảm dân số, sự giải toàn cầu hóa của các dòng thương mại và dòng
tiền, và nhu cầu ảm đạm phải giảm bớt gánh nặng nợ, tức “giải nợ”. Tuy
nhiên, không nên bi quan thái quá với các xu hướng này. Ngay cả khi khắp
mọi nơi đều tăng trưởng thấp, ta vẫn có thể xác định được quốc gia nào đang
lên hay xuống, so với các nước đồng đẳng. Đó là mục tiêu của mười quy
luật mà tôi đưa ra. Các quy luật này không đoan chắc điều gì và chỉ nhằm
giúp dự báo chính xác hơn cho năm đến 10 năm tới. Bản thân mức dự báo
được tính theo thang điểm từ một đến 10 ứng với mỗi một trong 10 quy luật,
và tôi dùng điểm số tổng hợp để xếp hạng triển vọng kinh tế của một quốc
gia là tốt, trung bình hay xấu, so với các nước khác trong cùng nhóm thu
nhập.
Trong ba thập kỷ trước cuộc khủng hoảng 2008, nền kinh tế toàn cầu
tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hằng năm trên 3%, nhưng tỷ lệ tăng trưởng
tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay được ước tính chỉ dưới 2,5%.