Các nền kinh tế phát triển nhanh nhất hầu như luôn là những nước nghèo
nhất, vì vậy các tiêu chuẩn mới về sự thành công còn phụ thuộc vào mức thu
nhập trung bình của quốc gia, nhưng với mỗi loại, các tiêu chuẩn đều cần
được hạ xuống. Với các nước mới nổi có mức thu nhập trung bình thấp –
dưới 5.000 đô-la một năm – định nghĩa về tỷ lệ tăng trưởng tốt, vững chắc
cần được điều chỉnh giảm xuống ít nhất 2% với bất kỳ tỷ lệ nào trên 5%.
Với các nước có mức thu nhập từ thấp đến trung bình – từ 5.000 đến 15.000
đô-la – tỷ lệ tăng trưởng từ 3 đến 4% giờ đây có thể được xem như một
thành tựu hợp lý. Và với các nước trong nhóm thu nhập trung bình –
từ15.000 đến 25.000 đô-la – thậm chí 2 đến 3% đã là tốt. Các quốc gia có
thu nhập trung bình cao hơn 25.000 đô-la đều đạt mức nước phát triển, và
bất kỳ tỷ lệ nào trên 1,5% với nhóm này đều biểu thị sự tăng trưởng khá
mạnh trong thời Hậu khủng hoảng.
Công thức mới để thành công kinh tế sẽ đòi hỏi nhiều quốc gia phải
chuyển biến tư duy, vốn đã bị hỏng trong cuộc bùng nổ tăng trưởng trước
2008. Sự chuyển biến này diễn ra càng sớm thì càng tốt cho thế giới. Lấy
một ví dụ, có thể mất nhiều năm nữa ta mới thấy một nền kinh tế lớn khác
đạt được tỷ lệ tăng trưởng bền vững ở mức 7% hoặc hơn. Điều quan trọng là
các nhà lãnh đạo, và các nhà quan sát đang đánh giá họ, cần định nghĩa thực
tế hơn về thành công, kẻo nước ấy lại rơi vào vị thế của Trung Quốc, lãng
phí tiền bạc và chồng chất nợ nhằm đạt được những tỷ lệ tăng trưởng không
còn hợp lý trong thời Hậu khủng hoảng.
Điều gây ấn tượng với tôi về bầu không khí trong lúc này, tháng 3-
2016, là sự vắng bóng hoàn toàn của tinh thần lạc quan: Khi đề nghị các bạn
hữu nhà báo hãy kể tên một nước mà họ thấy thuận lợi, tôi thường nhận
được cái nhìn trống rỗng. Họ cảm thấy dễ bi quan hơn về triển vọng kinh tế
của một nước. Tôi ngờ rằng họ đang đánh giá theo tiêu chuẩn của thời Tiền
khủng hoảng, nên chẳng nhìn thấy triển vọng kinh tế ở bất cứ nơi đâu. Để
luôn nhận định tình hình theo đúng góc độ, nên ghi nhớ những gì nhà kinh tế
gốc Áo Joseph Schumpeter đã phát biểu: “Tầm nhìn bi quan về bất cứ điều
gì cũng thường khiến công chúng cảm thấy thông thái hơn quan điểm lạc
quan.”