Những gì Mẹo nói thầy Lương cũng đã biết, quả thực chiều nay khi đi
quanh đây, đi sâu xuống dưới cánh đồng thêm 1 chút thì đúng là lác đác
mỗi nơi có vài ngôi mộ. Đều là mộ đắp tạm bợ, nay Mẹo nói thì thầy
Lương cũng chắc chắn suy nghĩ của mình là đúng. Khu vực cánh đồng này
là nơi người ta chôn người chết trong mấy năm đầu tiên chưa bốc mồ, chưa
sang cát. Do vậy số lượng mộ phần cũng không quá nhiều, và các mộ đều
được đắp đất sơ sài mà thôi.
Thầy Lương gật gù :
— Vậy cậu biết mộ ông ta được chôn ở đâu chứ..? Chiều nay tôi có đi dạo
quanh đây một chút, nhưng xem ra mấy ngôi mộ gần nhà cậu được đắp
cũng phải từ 2-3 năm nay rồi. Không phải mộ mới đắp.
Mẹo gãi đầu gãi tai cười xòa :
— Hì hì, nếu muốn đến mộ của cụ Kình thì thầy phải đi xuống tận cuối con
đường đất này cơ. Như nãy con có nói, nhà cụ Kình đấy giàu nứt đố, đổ
vách, thế nên nơi chôn tạm của cụ cũng phải được xem xét cẩn thận. Này
con cũng nghe dân làng người ta đồn thôi. Trước khi cụ Kình gần đất xa
trời, nghe đâu ông Phương có mời một thầy phong thủy về hỏi xem liệu sau
khi cụ Kình chết thì có đem chôn ra ngoài cánh đồng, như cách mà bao
năm nay dân làng vẫn làm hay không…? Thì thầy phong thủy đó đi xem
đất, thế rồi ông ta bảo đã chọn được một huyệt mộ tốt chôn cụ Kình. Vừa
hợp với truyền thống của làng, lại vừa tiện cho việc bốc mả về sau, mà con
còn nghe bảo thế đất đó sinh vượng khí gì mà chôn 3 năm, xương cốt sẽ
hóa màu vàng. lúc đó ông ta sẽ đến để tiến hành chuyển cốt cụ Kình về
lăng mộ của dòng họ. Mảnh đất đó nằm ở cuối con đường này, gò đất khá
là cao, xung quanh không có ngôi mộ nào khác. Chỉ có mộ cụ Kình án ngữ
ở đó thôi. Nếu thầy muốn đến đó, sáng ngày mai con sẽ dẫn thầy đi, giờ tối
rồi, đi ra đó sợ lắm.