ba lần sấy, rất đúng bài bản của các cụ người Hà Nội mới có hương thơm
mát và đằm đến như vậy. Nếu tôi không lầm thì nó do con cháu cụ bà chủ
hiệu Chính Thái ngày xưa sao tẩm, chỉ không biết họ còn ở ngôi nhà cũ phố
Hàng Bồ hay đã chuyển đi nơi khác.
- Thì ra bà cũng là người dân gốc Hà Nội.
- Gia đình tôi ở phố Lãn Ông đã năm đời.
- Nếu vậy chúng ta là đồng hương Hà Nội.
- Vâng… Là người gốc Hà Nội, nhưng tôi chẳng còn ai thân thích nội ngoại
ở đây. Mong ông hãy coi tôi như đứa em gái xa quê lâu ngày trở về, gọi tôi
là Mỹ Linh thôi cho đỡ cách bức.
- Vậy xin phép hỏi, vì sao Mỹ Linh biết tôi?
- Anh có người bạn Mỹ là Robert? – Nàng hỏi lại.
- Chúng tôi biết nhau đã gần ba năm nhưng Robert vừa mới về Mỹ, có lẽ
không quay lại.
- Theo giới thiệu của Robert, anh là nhà văn, cũng đã từng là kỹ sư địa
chất?
- Tôi vốn là kỹ sư địa chất nhưng chưa thể coi là nhà văn. Có lẽ bạn tôi quá
yêu nên giới thiệu như vậy.
- Sao thế? Em đã được Robert cho xem khá nhiều tác phẩm của anh.
- Ở xứ mình, ai chưa có thẻ hội viên Hội Nhà văn thì vẫn chỉ là “tác giả”.
- Ra thế!... Nhưng em vẫn thích từ “tác gia” hay “tác giả” hơn từ “nhà văn”
vì nó thực chất và chuẩn về nghĩa.
- Tôi đồ rằng người làm ăn như Mỹ Linh sẽ chỉ cần anh địa chất trong tôi,
phải vậy không? - Tôi hỏi và lái câu chuyện sang ngả khác. Nàng cười rất
hồn nhiên đáp:
- Chẳng giấu gì anh, em về ăn Tết chuyến này cũng là để tái thẩm định hai
dự án đầu tư, một là khai thác vàng ở miền tây Thanh Hóa, hai là khu du
lịch sinh thái ở ngoại ô Hà Nội.
- Nếu ở lĩnh vực địa chất, Mỹ Linh cần giúp gì tôi sẽ cố hết sức, còn mảng
du lịch sinh thái, thú thật tôi mù tịt.
- Cũng chưa hẳn thế đâu. Em cần anh cả trong những cuộc đàm phán đầu tư
khu du lịch sinh thái ở Hà Nội, song vì một lẽ thầm kín khác, mong anh