Sau Tết Mậu Thân 1968, cuộc sống trong cái hẻm nhỏ mà gia đình tôi ở co
lại vì lo lắng. Đó là không khí của xóm nghèo trong chiến tranh với đủ thứ lo về
chuyện cơm áo, sống chết. Buổi tối trong xóm, không có gì giải trí ngoài giọng ca
vọng cổ buồn nẫu ruột trong mấy tuồng cải lương trên radio. Trên nền không khí
nặng nề đó, mấy anh em nhà tôi có một niềm vui lớn mà đến hơn bốn chục năm
nay còn nhắc lại với nhau. Đó là lúc chị Tư tôi, nữ sinh trường Hoài An gần ngã
tư Phú Nhuận mang về một xấp giấy rất dày khổ to, với những bức tranh tuyệt
đẹp phía ngoài. Đó là những tờ nhạc rời gấp đôi. Ngoài bìa nhạc có vẽ tranh, bên
trong là ca khúc có lời và dòng nhạc. Đây là phần quà của một thầy giáo dạy
nhạc, thưởng cho chị Tư khi chị tham gia văn nghệ của trường và có giải.
Anh em tôi xúm lại xem và mừng rỡ thấy có nhiều ca khúc hay lâu nay chỉ
nghe trên radio. Đó là những bài như Về bên bếp hồng của Xuân Tiên, Múc ánh
trăng vàng của Hoàng Thi Thơ, Bên cầu biên giới của Phạm Duy… Cả mấy anh
em nghêu ngao hát theo tiếng đàn guitar của ông anh cả. Kể từ đó, mỗi buổi tối
sau giờ học là những giờ phút vui khi tụ lại hát hò, kể cả những đêm cả xóm cúp
điện.
Những tờ nhạc này hấp dẫn hơn nữa khi Nhà xuất bản chọn một bức tranh
đẹp vẽ theo nội dung lời hát để in ngoài bìa. Những bản nhạc xưa của nhà xuất
bản Tinh Hoa - Huế do họa sĩ Phi Hùng vẽ, bút pháp hiện thực bằng màu nước in
một màu rất mềm mại. Những bản nhạc ra sau này của nhà xuất bản Tinh Hoa
Miền Nam, An Phú có bìa từ tranh của họa sĩ Duy Liêm, là những bức tranh lập
thể tuyệt đẹp in bốn màu. Sau nữa là tranh của họa sĩ Kha Thùy Châu…
Gia đình tôi vẫn còn giữ được những tờ nhạc rời này, vượt qua bao lần dọn
nhà, xây nhà. Những tờ nhạc như một kỷ niệm đẹp, giúp tôi với tuổi lên tám lần
đầu được tập hát nhạc hay, ngắm được những bức tranh đẹp, như những bài học
cảm nhận nghệ thuật đầu tiên của cuộc đời.