Cách nay hơn năm mươi năm, cô gái Nguyễn Thị Gấm lên xe hoa về nhà
chồng. Trước đó, như nhiều cô gái chuẩn bị làm dâu, cô đi coi bói và ông thầy
nói: “Cô sẽ được ở nhà cao, cửa rộng… nhưng không phải là của cô”. Nửa thế
kỷ qua, bà vẫn ở trong cái nhà cao, cửa rộng đó ở đường Nơ Trang Long, quận
Bình Thạnh. Ngôi nhà đã sửa sang lại trước khi bà về làm dâu, và bà không thể
hình dung nó đã tồn tại gần trăm năm trước như thế nào. Trong nhà, vẫn còn hai
bộ ván gõ đen bóng hai bên, cái tủ thờ cẩn ốc ở giữa và hai tủ buýp phê hai bên
có đặt lư hương. Dấu vết thời gian còn nằm trên bức hoành phi thếp vàng, không
hợp lắm với bức tường sơn nước sau nhiều lần tu sửa.
Ngôi nhà là cơ ngơi còn lại của gia đình họ Nguyễn, một gia đình tiêu biểu
của đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Kể từ ông Nguyễn Văn Vân là thế hệ thứ nhất
cho đến đời thứ tám, bao nhiêu người đã sinh ra, lớn lên và mất đi ở khu ngã tư
Bình Hòa, tỉnh Gia Định suốt 200 năm nay. Vẫn còn nghĩa trang riêng của dòng
họ từ đầu thế kỷ 18, được xây tường rào chung quanh trên đường Hồ Xuân
Hương, phường 14 quận Bình Thạnh, với những ngôi mộ đá ong không còn bia,
với những cây cột bốn góc mộ nay đã chìm gần sát mặt đất qua thời gian dài.
Xa xưa, khu vực này là làng Bình Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình,
thành Gia Định. Đến thời Pháp thuộc 1862-1954, các thế hệ con cháu họ Nguyễn
ở đây có người làm việc với Pháp và cũng có người chống lại chính quyền thực
dân, hoặc làm nông, làm thợ và kinh doanh. Đến 1954, hầu hết sống và làm việc
dưới chế độ miền Nam: viên chức hành chánh, theo binh nghiệp hoặc buôn bán.
Sau 1975, con cháu trong họ tản mát đi khắp nơi trên thế giới, một số người vẫn
sống trên nền đất cũ của ông bà để lại. Gia đình theo đạo Thờ ông bà nhưng cũng
có người trở thành tu sĩ đạo Phật, Cao Đài hay làm mục sư Tin lành.
Cuối thế kỷ 18, một người đàn ông từ Đàng ngoài đi vào đất Gia Định buôn
bán. Ông đi bằng ghe bầu, hoặc có lúc đi bằng đường bộ trên lưng voi. Kết duyên
với một phụ nữ địa phương, ông định cư ở đây và hình thành dòng họ Nguyễn
này. Ông đã có gia đình riêng từ Đàng ngoài? Đến nay con cháu trong nhà vẫn
đặt giả thuyết như vậy. Sau khi có một con trai với người vợ tại đây, ông trở về
Đàng ngoài và không bao giờ trở lại. Ông không lưu lại tên, quê quán gốc gác,
chỉ còn vết tích ở xóm Lò Vôi gần đình Bình Hòa còn có nơi đất trũng xuống có
tên là Bãi Voi Nằm, ghi dấu nơi trú lại của đàn voi đi theo ông. Bà sơ tổ mất,