Ảnh trong bài do gia đình cung cấp
Thế hệ thứ nhất, con ông sơ tổ là ông Nguyễn Văn Vân "tước Huờn trào
Cựu, quyền Chánh cơ" thời vua Thiệu Trị (theo gia phả), sống bằng nghề nông
ngay tại Bình Hòa. Con của ông thuộc thế hệ thứ hai có ông Nguyễn Văn Sách
làm quan, về sau làm thầy thuốc nên Ngã tư Bình Hòa (Lê Quang Định - Nguyễn
Văn Học tức Nơ Trang Long) ngày xưa còn gọi là Ngã tư thầy Sóc (tránh gọi tên
Sách).
Một người con khác thuộc thế hệ thứ hai là ông Nguyễn Văn Ân làm nông
khá giả, có nhiều điền thổ. Ông muốn các con tự lập, không thích để di sản cho
con. Khi các con trưởng thành, ông buộc họ phải mua lại đất của ông để cất nhà,
làm ruộng hay canh tác. Ông mất vào đầu thế kỷ 20. Đến thế hệ thứ ba, có người
con ông sống trong khu đất bao vi địa không có ngõ thông ra đường cái, hậu quả
của việc mua đất chung chỉ để cất nhà ở.
Một bà tên Nguyễn Thị Hòa, thế hệ thứ 4 cháu nội ông Ân sinh năm 1915
ngay tại Bình Hòa nay vẫn còn sống (2013). Năm 2006, bà viết những dòng được
đưa vào gia phả dòng họ như sau: “Mặc dù gia đình đông con nhưng ba má tôi
vẫn cố gắng cho tất cả những đứa con được đi học. Tôi theo học trường tiểu học
Gia Định từ lớp Năm đến lớp Nhì thì trúng tuyển vào trường Trung học Nữ học
đường còn có tên là trường Áo Tím vì đồng phục của trường này là áo dài tím…
Tôi theo học trường Áo Tím được bốn năm thì bắt đầu theo học ngành điều
dưỡng tại nhà thương Gia Định, sau ba năm tôi lại được Dì Phước giám đốc
trường đề nghị đi thực tập tại Nhà thương Hồng Thập Tự, sau đó vì có vốn Pháp
ngữ nên tôi lại được chuyển sang làm việc ở nhà thương Đồn Đất, một nhà
thương của người Pháp.
Trong thời gian làm việc ở đây tôi có quen với một Nha sĩ tên là Gabriel.
Khi mãn nhiệm kỳ tại nhà thương này, nha sĩ Gabriel mở phòng mạch riêng và
ông nhận tôi vào làm nha tá, lúc đó tôi được 20 tuổi (1935). Trong thời gian này,
tôi có dịp tiếp xúc nhiều với Hoàng hậu Nam Phương vì bà là bệnh nhân của Nha
sĩ Gabriel. Bà rất mến tôi và có tặng một thẻ kim bài của hoàng tộc”.