Sài Gòn Có Nói Gì Đâu
Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, mối tơ duyên giữa tôi và Sài Gòn bắt đầu từ khi nào? Từ
cái Tết đầu tiên tôi theo ba mẹ vô Sài Gòn ăn Tết với gia đình bên nội, hay từ
thuở ba tôi còn là một thiếu niên thường xuyên trốn học đi xem phim ở rạp Văn
Cầm, Phú Nhuận. Hay xa xăm hơn nữa, từ năm 1941, khi chàng trai trẻ - là ông
nội tôi - lặn lội từ Quảng Bình vô Sài Gòn làm cậu chạy việc cho các bà phước ở
dòng tu kín sau Nhà Bưu điện Thành phố, ít lâu sau lại trở thành anh bồi của một
gia đình người Pháp trên đường Catinat với mức lương 40 đồng bạc Đông
Dương?
Dù thế nào, tôi với Sài Gòn hẳn đã có duyên, trước khi tôi về làm dâu một
gia đình miền Nam lâu đời.
Nhưng có một điều lạ lùng, đó là càng ngày tôi lại càng cảm thấy mình
không phải là “người Sài Gòn”.
Đó là một cảm giác hơi khó lý giải, bởi đối với tôi, khái niệm “người Sài
Gòn” không hề được đóng trong một cái khung nhỏ hẹp nào. Không cần bạn phải
sinh ra ở Sài Gòn, chỉ cần bạn cảm thấy mình là người Sài Gòn thì bạn chính là
người Sài Gòn. Thế thôi!
Vậy thì tại sao sau nhiều năm sống trong lòng thành phố mà tôi vẫn chưa
cảm thấy Sài Gòn thuộc về mình, và ngược lại?