Tìm Lại Giấc Mơ
Căn nhà ngang độ bốn mét. Mặt tiền đá rửa, cầu thang đá mài. Giữa nhà, bộ
sa lông gỗ gõ đỏ đóng theo kiểu hộp đơn giản, ngồi hơi ngả ra phía sau. Gạch
bông mỗi cạnh hai tấc, hoa văn màu nâu đỏ, trầm lạnh nhưng sang trọng. Trên
tường là bức sơn mài của hãng Trần Hà ở Bình Dương vẽ bầy nai thơ thẩn dưới
những gốc cây tùng. Cái ti vi cửa lùa đứng vững chãi trên bốn chân đặt bên phải.
Cuối phòng khách là bức tường ngang che cầu thang, kê sát tường là cái tủ buýp
phê bằng cẩm lai cửa kính lùa, hai cánh cửa hai bên xoáy tròn những vân của gỗ
Nu. Trên tủ đặt cái bình bông gốm Biên Hòa vẽ hình những cô gái áo dài tha
thướt đi lễ lăng Ông Bà Chiểu và cái máy hát dĩa.
Chủ nhà đặt cái dĩa hát lên mâm và cho kim xoay. Tiếng hát Phương Dung
nghe như nức nở: “Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng… mây vỡ hoa tan tàn
giấc mơ hoa”. Anh bảo: “Từ khi quá tuổi bốn mươi tôi lại thích nghe những bài
hát bị gọi là sến, mà ông Sơn Nam gọi là thứ Vọng cổ tân thời này. Nó làm tôi
nhớ rất nhiều...”
Căn nhà tôi đang ngồi không nằm trong một khu dân cư cũ ở khu Ngã Năm
Bình Hòa, khu xóm Gà hay chợ Đa Kao. Nó mới mọc lên dăm năm ở một khu
đất mới vốn là đất trồng hoa ở Gò Vấp. Nhưng khi ngồi vào chiếc ghế cũ kỹ, một
cảm giác êm đềm của thời thơ trẻ sống ở Sài Gòn hơn bốn mươi năm trước trở
lại. Nó gợi nhớ những căn nhà hồi xưa được xem là khá giả vì “nhà lót gạch
bông, mái bằng, tường đá rửa…”, từ những bức tranh lạ treo trên tường không hề
giống mớ lịch tờ lòe loẹt mà những nhà nghèo treo đầy tường từ dịp Tết. Chủ nhà
pha trà ướp hoa lài, rót vào những cái tách Arita trắng in hình bông hồng đỏ nhạt
đặt trên cái dĩa cùng bộ.