đợi đến 23 năm sau, mới có cuộc trưng bày báo chí lần thứ hai diễn ra vào năm
1966, cũng tại Sài Gòn.
Thời gian này, ông Nguyễn Khánh Đàm còn làm được một việc quan trọng
cho ông anh của mình, nhà văn Nguyễn Tuân. Ông đã lên tiếng bảo vệ danh dự
ông anh khi có kẻ mạo danh anh trai mình đi lừa gạt, mượn danh nhà văn để vay
tiền rồi không trả. Thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ông Đàm đã đâm đơn kiện
tên lừa đảo này và nay câu chuyện còn được nhiều báo nhắc tới.
Trong sáu năm làm ăn kinh doanh, ông Nguyễn Khánh Đàm được tiếng là
thương người. Do Nhà sách lớn nên ông có từ 15 đến 20 nhân viên phục vụ tùy
thời điểm. Chỉ huy đội ngũ này là bà Vũ Thị Vân, vợ ông Đàm, chuyên ngồi tại
Nhà sách quản lý và lo thu chi để ông tập trung việc tổ chức nguồn sách và phân
phối. Nếu có đám cưới mà cô dâu chú rể đều cùng là nhân viên của Nhà sách, hai
ông bà sẽ tặng cho một căn nhà để sinh sống. Những năm xảy ra đói kém, ông bà
tổ chức nấu cơm đem ra phố phát chẩn cho người nghèo đói.
Năm 1944, ông Nguyễn Khánh Đàm lên Đà Lạt mở thêm hiệu sách thứ hai.
Giai đoạn này Đà Lạt đã phát triển cơ sở vật chất như một thành phố với các kiến
trúc lớn như khách sạn Langbian Palace, ga Đà Lạt, dinh Toàn quyền... và các cơ
sở văn hóa và giáo dục cũng bắt đầu phát triển, một số trường học thu hút học
sinh đến từ khắp Việt Nam và cả Đông Dương. Năm 1938, khi nhà ga xe lửa
hoàn thành, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng này ngày một đông và chỉ
đến năm 1944, Đà Lạt gần như là thủ đô của Liên bang Đông Dương khi hầu hết
các công sở quan trọng đều chuyển về đây (theo Wikipedia - Lịch sử Đà Lạt).
Theo các con ông Đàm đang sống ở Hà Nội, có thể do việc hoạt động bí
mật, như truyền bá tư tưởng mới nên ông mới nhắm đến Đà Lạt, và không có ý
định ở lâu vì ông chỉ thuê nhà mở Nhà sách, không mua hẳn như ở Sài Gòn.
Năm 1945, ông Nguyễn Khánh Đàm tham gia cướp chính quyền tại Đà Lạt.
Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm cũng ngưng hoạt động từ đó. Đến năm 1949, ông
ra Thanh Hóa và công tác tại Lớp dự bị Văn khoa khu IV ở huyện Thiệu Hóa,
Thanh Hóa. Theo bài viết “Lớp dự bị đại học văn khoa khu IV thời kháng chiến
chống Pháp” của phó giáo sư Đặng Thị Hạnh thì lớp học khai giảng tháng 9 năm