Vào khoảng cuối năm 1967, hệ thống này được mở rộng hơn, hai máy bay
Constellation được thay bằng máy bay Blue Eagle. Sau đó, kế hoạch xây cơ sở
truyền hình quốc gia bắt đầu được thực hiện. Cơ sở này gồm ba tòa nhà: một
tòa dành cho hai máy truyền hình mạnh, mỗi máy 25.000 watt và hai cái dùng
đặt tại văn phòng, phòng thu hình và thu thanh, kho vật dụng... dựng một trụ
sắt cao 90m, trên nóc trụ gắn một ăng ten cao 24m phát đi các làn sóng điện.
Chi phí lúc đó là 28 triệu đô la Mỹ một phần do nước Mỹ đài thọ. Đến tháng 3
năm 1968, khi đài truyền hình mới đã được xây xong tại số 9 Hồng Thập Tự
(nay là trụ sở Đài Truyền hình TP.HCM) thì nhờ có trụ phát tuyến cao nên hình
ảnh được rõ ràng, không còn mờ rung như khi phát hình bằng máy bay nữa. Từ
đó các chương trình đầy đủ và phong phú hơn với thời lượng phát là ba giờ
mỗi đêm, trong khi trước kia chỉ khoảng một đến hai giờ.
Năm 1968, khi xảy ra cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Ba tôi đưa ti vi vào
phòng trong. Cả nhà chui xuống bộ ván dày có chất bao cát phía trên để tránh
đạn pháo và ló đầu ra theo dõi màn hình ti vi đang chập chờn. Tôi không nhớ
gì về chương trình truyền hình lúc đó nhưng ti vi vẫn có ca nhạc có lẽ được thu
trước và tin chiến sự đang xảy ra trong thành phố.
Tuy mục đích lớn là thông tin tuyên truyền cho chính quyền trước đây, Đài
Vô tuyến Truyền hình Sài Gòn đã xây dựng nhiều chương trình văn nghệ và
giáo dục hấp dẫn với rất nhiều tiết mục hay của các ban nhạc, đoàn cải lương,
đoàn kịch tư nhân với nhiều tâm huyết trong việc cổ súy lối sống lành mạnh,
không lai căng và hướng về dân tộc. Đặc biệt, hầu hết các ca sĩ thời đó được
yêu cầu nghiêm ngặt trong trang phục, đa số nữ ca sĩ bận áo dài khi ca hát hay
diễn kịch trong vai phụ nữ Sài Gòn hiện đại. Nhiều vở kịch phản ánh rõ đời
sống của người dân nghèo thành thị trong hoàn cảnh tao loạn chiến tranh,
những cảnh đời bi đát và những nhân vật cố chống lại sự tha hóa trong đạo
đức, đó là các vở kịch của đoàn Kim Cương, Dạ Lý Hương như Dưới hai màu
áo, Lá sầu riêng, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng ... làm rớt nước mắt
từ già đến trẻ. Có lẽ đó chính là những dấu ấn tốt đẹp không phai mờ mà người
Sài Gòn còn nhớ về một thời xem truyền hình trước kia ở thành phố này.