và cuối cùng bức tranh lại được soi rất kỹ dưới bao nhiêu quan khách và ký giả
đến dự.
Ngay sau đó, ông Hoanh vội tìm người thầy dạy tranh lụa của ông ở trường
Mỹ thuật Gia Định là họa sĩ Đới Ngoạn Quân, vốn là người gốc Hoa để hỏi ý
kiến. Ông Quân khuyên ông Hoanh tìm cách chỉnh sửa ngay. Cho dù đây là
một lỗi nhỏ không ảnh hưởng đến bố cục và tư tưởng của tranh, tuy nhiên nếu
để yên thì sẽ là chuyện lớn. Ngay sau đó, ông Hoanh tìm gặp ban tổ chức để
xin sửa lại chữ “Thất” bằng cách vẽ chồng lên. Ban tổ chức đồng ý với một
việc ngoại lệ, là nhúng bút sửa tranh sau khi chấm giải.
Kể về chuyện này, ông Hoanh cho đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc
đời nghệ thuật của mình.
Vốn xuất thân là sinh viên Mỹ thuật Gia Định năm 1959, họa sĩ Nguyễn
Hoàng Hoanh gắn bó với sự nghiệp đi dạy hội họa, từ trường Mỹ nghệ Biên
Hòa cho đến khi quay trở lại làm giảng viên của ngôi trường Mỹ thuật Gia
Định nơi từng học hồi còn trai trẻ. Ông trung thành với tranh lụa, cho dù có lúc
vẽ màu nước và sơn dầu. Tuy vậy, dù với chất liệu nào, tranh của ông cũng có
vẻ mơ màng dịu nhẹ của tranh lụa. Nhân vật trong tranh thường là các thiếu
nữ, người già, em bé của cuộc sống đời thường đậm chất Nam bộ. Cuộc sống
trên tranh của ông không u ám, như thường thấy trên các bức tranh lụa cổ điển,
mà là bừng sáng một cách dịu dàng, qua thiên nhiên hoa lá rực rỡ, vẻ mắt tươi
sáng, bình thản của các thiếu nữ, em bé và cả người già. Có sự chân tình, hiền
hậu, chất phác và một nỗi buồn nhẹ trong tranh của họa sĩ năm nay đã gần
bước vào tuổi tám mươi này.