Một hôm, chồng chị đến nhà một bà cụ ở Paris cần bán sách để chia gia tài
cho con cháu. Bước vào nhà, ông thấy bức tranh lụa trên tường nên hỏi thăm.
Bà cụ nói bức này được ông chồng mua tặng lúc mới cưới nhau, đã được in
trong tạp chí l’Illustration, số Noël 1932. Bà nói bức này treo trên tường từ đó
đến nay và đồng ý bán cho “cô vợ Việt Nam” sưu tầm tranh Việt của khách.
Chị rất mừng khi nhận bức tranh vì nó vô cùng quý giá, đó chính là bức Lên
đồng của họa sĩ tài danh Nguyễn Phan Chánh. Bà cụ, tên là Pierre Massé viết
giấy chứng nhận để lại bức tranh cho chị, nêu cái tên mà chị thuộc lòng từ lâu
qua chú thích trong tờ tạp chí: “Les sorcières, sưu tập P. Massé”. Chị không
ngờ có ngày mình tìm lại được và sở hữu bức tranh ngỡ đã thất lạc từ lâu. Chị
nghĩ đúng hơn, bức tranh đã tìm ra chị..!
Bức La classe familiale của họa sĩ Phạm (Quang) Hậu là một bức lụa hiếm
hoi vì tác giả chuyên vẽ sơn mài. Số là chị có một cô bạn làm y tá, người Pháp.
Khi đến chăm sóc một bà cụ, cô bạn phát hiện bức tranh nằm trên tường rất
đẹp. Hỏi ra, bà cụ cho biết khi dọn về căn hộ này cách nay vài chục năm đã
thấy nó nằm trên tường do người chủ cũ bỏ lại. Qua sự giới thiệu của cô bạn,
chị rất sung sướng mua được bức này.
Có lần, chị đến phòng đấu giá Paris và lần đầu thấy hai bức tranh lụa quý
hiếm của họa sĩ Tô Ngọc Vân nổi tiếng về sơn dầu, được bán bởi con trai của
bác sĩ nổi tiếng Pierre Huard (đã viết quyển Connaissance du Viet Nam). Rất
tiếc hai bức tranh đẹp này tuy được chị đẩy giá rất cao nhưng không mua được.
Vài năm sau, chồng của chị đến một galerie ở Paris đã mua tặng sinh nhật chị
bức tranh lụa “Les brodeuses”, là một trong hai bức đã bị vuột mất trước kia.