Sau khi khai trương hơn một tháng, siêu thị Nguyễn Du tổ chức một sự kiện
đánh dấu sự thành công của mình. Khi người khách thứ 100 ngàn đến đây và
đặt tay vào cửa quay, loa phóng thanh đã phát to: “Hoan nghênh công dân siêu
thị thứ 100 ngàn, là anh Lê Văn Sâm...”. Anh được choàng băng kỷ niệm và
được ông quản đốc trao tặng giải thưởng trị giá 10 ngàn đồng. Chỉ hơn một
tháng tính từ ngày khai trương, siêu thị Nguyễn Du lần đầu tiên có ở Việt Nam
đã thu hút khách hàng rất mạnh mẽ.
Siêu thị Nguyễn Du nằm trên diện tích 30 ngàn mét vuông, ở một khu phố
còn vắng vẻ không phù hợp cho việc buôn bán lắm nhưng khi siêu thị được lập
ra, số khách hàng lui tới được đánh giá là “ngoài mức tưởng tượng”. Trung
bình mỗi ngày có khoảng 2.500 người đến mua sắm và doanh thu mỗi ngày tối
đa là 1,5 triệu đồng thời đó. Trong số 30 ngàn mét vuông, có 800 mét vuông là
khu vực bán hàng, 1.000 mét vuông cho khu đậu xe. Về các kho châm hàng có:
kho thường 500 mét khối, kho đông lạnh 200 mét khối nhiệt độ -20 độ C, kho
lạnh 200 mét khối với 0 độ C. Về các kho dự trữ có: kho thường 10.000 mét
khối, kho dự trữ đông lạnh 4.000 mét khối. Thiết kế quầy bên trong bao gồm:
các quầy thường dài 150 mét, diện tích 300 mét vuông. Có 6 máy thu ngân
NCR có bàn lăn tự động. Các quầy khác là: quầy thịt tươi, quầy thực phẩm
đông lạnh, quầy rau trái cây, tủ lạnh đựng các sản phẩm từ sữa. Toàn siêu thị
gắn máy điều hòa không khí và có hệ thống truyền hình hữu tuyến để kiểm
soát. Ngoài ra còn trang bị máy phát điện 105 Kw.
Trước khi siêu thị được thành lập, trong giới doanh thương Sài Gòn, tuy rất
nhanh nhạy với cái mới đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm “không
tưởng”. Tuy nhiên, Tổng cuộc Tiếp tế với ý định sẽ thiết lập các chuỗi dây
chuyền siêu thị tư nhân đã không chùn bước. Sau khi siêu thị này hình thành ít
lâu, họ nhận được nhiều thư tán thưởng và nhiều tư nhân tấp nập gửi đơn đến
đề nghị cộng tác thiết lập siêu thị tư nhân dưới hình thức này hay hình thức
khác. Đến tháng 12, đã có hai siêu thị tư nhân cỡ nhỏ là An Đông và Đoàn Thị
Điểm đã mở ra. Cái thứ 3 ở Biên Hòa được trang bị để mở vào Tết Mậu Thân
năm 1968.
Sau khi siêu thị Nguyễn Du được thành lập không lâu, ông Cung được SMI
(Viện Siêu thị - Super marketing Institute) mời qua Bangkok gặp các nhà buôn