nành, rượu đào, Tôn Thọ tửu sản xuất trong nước bên cạnh rượu Tây.
Bên cạnh đó, trang phục của nhân viên phục vụ được trang bị đúng đẳng
cấp nhà hàng hạng sang: nhân viên tiếp khách (lúc đó gọi là chiêu đãi viên)
bận đồng phục trang trọng, cổ thắt nơ. Đầu bếp có trang phục riêng, đội mũ
chuyên dùng.
Thời điểm đó có một hội nghị quốc tế phát triển kinh tế và xã hội khu vực
châu Á tổ chức tại Sài Gòn, và các vị khách quốc tế, đại diện hai mươi mốt
quốc gia đã trở thành những khách ngoại quốc đầu tiên thưởng thức món ăn
Việt trong thực đơn cao cấp này tại nhà hàng “Hàng Cơm Việt Nam”.
Tự hào và tìm cách khẳng định giá trị của ẩm thực Việt bằng cách tạo lập
nhà hàng này là một cố gắng rất đáng trân trọng của những người có trách
nhiệm, gần 60 năm trước ở Sài Gòn.
Bài trí trong nhà hàng không khác các nhà hàng ăn hiện nay. Góc phải là
quầy tiếp tân trưng bày các loại rượu do Việt Nam sản xuất.
NHỮNG KHÁT VỌNG CỦA MỘT
THỜI
Trong khoảng thời gian 20 năm trước năm 1975, thành phố Sài Gòn chỉ
có một thời gian ngắn ngủi sống trong bình yên. Sau đó, là các cuộc đấu
tranh của các giới chống chế độ độc tài, là đảo chánh giữa các phe phái, là
bầu không khí chiến tranh sát ngay đô thị hoặc có khi là từ các trận đánh