7
Tinh thần của trẻ phát triển rất không đều. Có trẻ hiểu sớm, có trẻ hiểu
chậm. Cùng là tám tuổi mà em này thông minh bằng một đứa mười tuổi, em
khác lại trì độn chỉ bằng một đứa sáu tuổi. Vậy trong sự giáo dục, cứ theo
tuổi mà sắp trẻ thì không đúng; phải sắp theo trình độ tinh thần của chúng.
Có những bực phụ huynh phàn nàn: “Con người ta 15 tuổi đã sắp thi tú tài,
con tôi 15 tuổi mới học năm thứ nhất” rồi rầy mắng trẻ, mỉa mai chúng, đay
nghiến chúng; như vậy là bất công với chúng, là không hiểu chút gì về tâm
lý và môn sư phạm.
Tinh thần phát triển chậm không đáng buồn; nó ngừng phát triển thì mới
đáng lo; mà nhồi sọ trẻ quá, rầy la chúng quá, có thể làm cho óc chúng
không phát triển nữa mà sự học sẽ thụt lùi.
Các nhà tâm lý Âu, Mỹ đã đặt ra những trắc nghiệm để đo tinh thần trẻ.
Chẳng hạn muốn đo kí tính của một em nào, ta đọc chầm chậm và rành
mạch 6 danh từ mà em ấy hiểu nghĩa; 6 danh từ ấy nghĩa không liên lạc gì
với nhau, không lầm lộn với nhau được, như ghế dựa, xe tăng, con chó, cái
đồng hồ, cây xoài, cái lược. Chúng ta lặp lại hai lần rồi bảo em ấy chép lên
giấy xem có nhớ đủ không. Mỗi tiếng chép đúng được một điểm.
Muốn đo sự chú ý của trẻ ta bảo chúng gạch dưới hết những chữ a trong
mươi hàng chữ in. Công việc ấy phải làm trong một thời gian nhất định là
nửa phút hay một phút. Mỗi chữ gạch sai hoặc không gạch, kể là một điểm.
Trẻ nào có nhiều điểm là lơ đễnh nhất.
Ta không thể chỉ căn cứ vào lối trắc nghiệm đó mà bảo là biết rõ tinh thần
của trẻ được. Nhưng nếu ta chịu nhận xét trẻ rồi lại dùng những trắc
nghiệm ấy để kiểm điểm sự nhận xét của ta thì ta ít khi lầm lẫn lắm.