4
Nếu ta biết săn sóc sự học của trẻ, hiểu tâm lý chúng, đừng trái với luật phát
triển tự nhiên, thì ít khi ta phải rầy, phạt trẻ lắm. Và mỗi khi bạn thấy cần
phải rầy, phạt chúng, thì xin bạn hãy đọc lại bức thư này trong cuốn “Đắc
nhân tâm: bí quyết để thành công”.
Bức thư ấy là lời một người cha thú tội với con, cảm động đến nỗi đọc lại
mười lần rồi, lần nào tôi cũng rưng rưng nước mắt.
“Con ơi!... Con ngủ, má đỏ kề trên tay, tóc mây dính trên trán. Cha mới lén
vào phòng con... Cha muốn thú tội với con: lúc nãy, trong khi cha đọc báo
trên phòng sách, đợt sóng hối hận xâm chiếm tâm hồn cha. Cha đã hơi
nghiêm khắc với con hôm nay. Sáng ngày, trong khi con sửa soạn sách vở
đi học, cha đã rầy con vì con chỉ quệt chiếc khăn ướt lên đầu mũi con thôi,
cha đã mắng con vì giày con không đánh bóng, cha đã la con khi con liệng
đồ chơi xuống đất.
Trong lúc điểm tâm, cha lại khiển trách con nữa: con đánh đổ sữa, con nuốt
vội mà không nhai, con tì khuỷu tay lên bàn, con phết nhiều bơ lên bánh
quá... Khi ra đi, con quay lại chào cha: “Thưa cha, con đi” và cha đã cau
mày: “Ngay người lên!”.
Buổi tối, vẫn điệu đó. Ở sở về, cha rình con ở ngoài đường. Con chơi bi,
đầu gối quỳ trong đống cát, vớ rách, hở cả thịt. Cha đã làm nhục con trước
mặt bạn bè vì bắt con đi trước mặt cha cho tới nhà... Vớ đắt tiền, nếu mày
có phải bỏ tiền ra mua, mày mới tiếc của và biết giữ gìn”. (Con thử tưởng
tượng, có ai, cha mà mắng con như vậy không?).
Rồi con nhớ không? Tối đến, trong khi cha đọc sách, con rón rén vào phòng
giấy cha, vẻ đau khổ lắm. Cha ngửng lên, giọng bất bình, hỏi “Cái gì?”