Văn chương ưu nhã hơn cũng không che giấu được ý tứ “Ta đã phản tỉnh
xong rồi, thả ta ra ngoài chơi đi” giữa những hàng chữ.
Bản tấu này mang đậm phong cách của An Định hầu, có một chút chân thật
càn rỡ, hiển nhiên không phải do mưu sĩ viết thay.
Hoàng đế Long An giữ bản tấu này lại một ngày, hôm sau liền ban không ít
dược liệu quý để tỏ ân sủng, giải lệnh cấm túc cho Cố Quân, xem như
ngầm đồng ý việc y xin nghỉ, nhưng để ngoài mặt dễ nhìn, hắn không hề
tìm người thế chỗ, chỉ bỏ soái ấn đó, ôn hòa trấn an, tuyên bố chờ An Định
hầu lành bệnh về triều, vẫn muốn trả lại soái ấn cho y.
Giờ nghỉ ngơi trưa hôm ấy, Lý Phong không biết làm sao lại lục ra một
quyển sách thiếu thời mình từng đọc, bên trong rơi ra một bảng chữ mẫu,
so sánh với bản tấu trên bàn hắn thì chữ viết khá vụng về, sức tay chỗ
chuyển hướng tựa hồ cũng không đủ lực lắm, nhưng đã nhìn ra khí khái
ngày sau.
Lý Phong lấy ra ngắm nghía rất lâu, bỗng hơi xúc động hỏi Chúc Chân
Nhỏ: “Ngươi có biết đây là ai viết không?”
Chúc Chân Nhỏ giả bộ hồ đồ: “Cái này… Lão nô xem không hiểu tốt xấu,
nhưng đã là Hoàng thượng gìn giữ, thì chắc hẳn là bút tích của vị danh gia
nào?”
“Ngươi dẻo miệng thật – nhưng cũng có thể xem là danh gia, đây là do
Thập Lục hoàng thúc viết.” Lý Phong nhẹ nhàng đặt bảng chữ mẫu kia lên
bàn, dùng chặn giấy ép cho phẳng, giống như lại nhớ tới điều gì, ánh mắt
trở nên xa xăm, nói với Chúc Chân Nhỏ, “Trẫm thời thiếu niên không kiên
nhẫn luyện chữ, bị phụ hoàng quở trách ngay trước mặt, hoàng thúc sau khi
biết chuyện quay về thức suốt một đêm, ngày hôm sau đưa cho trẫm một
xấp bảng chữ mẫu…”
Khi đó mắt Cố Quân ban ngày đã không tốt, buổi tối càng không thấy rõ,
chỉ có thể đeo kính lưu ly, qua một đêm mắt đỏ hoe lên, ngày hôm sau
trưng đôi mắt thỏ, còn nhất định phải ra vẻ không tùy tiện nói cười.