Như vậy, để cảm ứng, động vật có hệ cơ quan thụ cảm, hệ thần kinh, hệ cơ
(hoặc tuyến). Trong đó, hệ thần kinh đóng vai trò chủ đạo. Mức độ tiến hóa của
hệ thần kinh quyết định khả năng cảm ứng ở động vật.
4.2. HỆ THẦN KINH Ở CÁC ĐỘNG VẬT KHÁC
NHAU
Tùy theo mức độ tiến hóa và khả năng phản ứng của động vật, người ta phân
biệt ba dạng thần kinh sau:
4.2.1. Hệ thần kinh dạng lưới
Hệ thần kinh dạng lưới thường thấy ở các động vật có cơ thể đối xứng tỏa
tròn, thuộc ngành ruột khoang (ví dụ như thủy tức) (hình 4.1A). Các tế bào
thần kinh nằm rải rác trong cơ thể và liên hệ với các tế bào cảm giác tạo thành
mạng lưới. Phản ứng kiểu thần kinh mạng lưới tuy nhanh và kịp thời nhưng
chưa hoàn toàn chính xác vì khi bị kích thích ở bất kỳ điểm nào của cơ thể thì
đều gây ra phản ứng toàn thân.
4.2.2. Hệ thần kinh dạng chuỗi hạch
Hệ thần kinh dạng chuỗi hạch thường thấy ở động vật không xương sống có
cơ thể đối xứng hai bên như giun dẹt, giun tròn, chân khớp. Các tế bào thần
kinh tập trung lại tạo thành các hạch thần kinh chạy dọc cơ thể. Các hạch thần
kinh được nối với nhau bởi các dây thần kinh tạo thành chuỗi hạch nằm dọc
theo chiều dài cơ thể (hình 4.1B). Mỗi hạch thần kinh là trung tâm điều khiển
hoạt động của một vùng cơ thể xác định. Động vật tiến hóa cao như chân khớp,
các hạch thần kinh phân hóa thành hạch não, hạch ngực và hạch bụng; trong
đó, hạch não phát triển lớn hơn hẳn so với các hạch khác. Hạch não tiếp nhận
kích thích từ các giác quan và điều khiển các hoạt động phức tạp một cách
chính xác hơn (hình 4.1C).