CHƯƠNG 4 - TÍNH CẢM ỨNG Ở ĐỘNG
VẬT
Mục tiêu:
- Nêu được đặc điểm sai khác giữa động vật với thực vật về cảm ứng.
- Trình bày được sự tiến hóa của hệ thần kinh ở động vật.
- Trình bày được nguyên tắc hoạt động của hệ thần kinh.
- Phân tích được cơ chế dẫn truyền xung động qua dây thần kinh và qua
xinap.
- Phân biệt được 3 dạng cơ (cơ vân, cơ tim và cơ trơn), cơ chế co cơ và các
dạng chuyển động của động vật trong môi trường ở nước và ở cạn.
- Trình bày được các dạng tập tính ở động vật, cơ sở thần kinh của tập tính.
- Trình bày được các đáp ứng bảo vệ cơ thể chống bệnh tật.
4.1. KHÁI NIỆM CẢM ỨNG Ở ĐỘNG VẬT
Động vật cũng như thực vật có khả năng cảm nhận và đáp ứng lại các kích
thích của môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể, đảm bảo cho cơ thể động
vật tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cảm ứng ở thực vật thường diễn ra chậm và
biểu hiện bằng các cử động dinh dưỡng hoặc sinh trưởng, còn cảm ứng ở động
vật cũng là sự phản ứng lại những tác động của môi trường để tồn tại và phát
triển, nhưng phản ứng diễn ra nhanh hơn nhờ hoạt động của hệ cơ xương và hệ
cảm giác thần kinh. Để đáp ứng lại các tác động của môi trường, động vật đa
bào thường phân hóa các hệ cơ quan sau đây:
- Hệ cơ quan thụ cảm có chức năng tiếp nhận kích thích.
- Hệ cơ quan phân tích và tổng hợp thông tin.
- Hệ thần kinh có chức năng quyết định hình thức và mức độ phản ứng.
- Hệ cơ và tuyến tiết có chức năng thực hiện phản ứng để đáp ứng lại các
kích thích.