LỜI NÓI ĐẦU
Khi nói đến nhiệm vụ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, khá nhiều
người trong chúng ta thường nghĩ trước tiên đến việc thay thế những từ
“Hán-Việt” bằng những từ “thuần Việt” (những từ gốc Môn-Khmer hay
mượn của tiếng Thái, tiếng Mã Lai thường được mệnh danh như vậy), mà ít
khi nghĩ đến việc tìm cách làm sao cho câu văn được đúng mẹo mực, được
trong sáng và chững chạc, không què cụt hay ngô nghê như văn một người
ngoại quốc. Ở nhà trường, việc giảng dạy tiếng Việt thiên hẳn về lý thuyết,
và hầu hết thì giờ dành cho việc tiếp thu những tri thức, ngôn ngữ học
không trực tiếp phục vụ cho việc tu luyện cách sử dụng tiếng mẹ đẻ trong
văn viết cũng như văn nói. Các sách giáo khoa về tiếng Việt dành phần lớn
nội dung cho việc trình bày những khái niệm khó định nghĩa và khó tiếp thu
như từ, âm vị, v.v. và những tri thức lý thuyết mà ngay các nhà ngôn ngữ
học chuyên nghiệp cũng không mấy ai hiểu rõ, và lại đang là vấn đề tranh
luận gay gắt trong các giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Sách vở
thường cung cấp cho học sinh không phải những tri thức chắc chắn, mà là
những giả thiết còn phải chứng minh của một số nhà nghiên cứu cá biệt.
Giáo viên mất thì giờ vào việc truyền đạt những “tri thức” ấy nhiều đến
nỗi không thể sửa lỗi hành văn cho học sinh được, và dù có muốn dạy cho
học sinh biết nói và viết đúng tiếng Việt cũng không biết làm việc đó vào
lúc nào và bằng cách gì, căn cứ vào tài liệu nào.
Hậu quả tất nhiên của tình hình này là học sinh (khi còn ngồi trên ghế
nhà trường cũng như khi đã trở thành cán bộ) thường rất yếu về hành văn.
Ta có thể nghe thấy ở khắp nơi những lời than phiền, chê trách nặng lời về
tình trạng yếu kém về hành văn của những bài báo, những cuốn sách,
những bài nói được truyền đi từ các đài phát thanh và truyền thanh, truyền
hình. Những câu văn “bất thành cú”, những lỗi thô bạo về lô-gích, những
từ ngữ dùng sai nghĩa hay không đúng chỗ, đều có thể gặp nhan nhản trong
bất cứ lĩnh vực hoạt động nào.