Tình hình này nghiêm trọng đến nỗi nhiều giáo viên và cán bộ văn hóa
đã nhận định rằng đây là một tệ nạn thực sự có nguy cơ làm cho tiếng Việt
không còn là một ngôn ngữ văn hóa có đủ sức phục vụ công cuộc xây dựng
một xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự văn minh nữa.
Sau một quá trình nghiên cứu những lỗi ngữ pháp phổ biến trên tư liệu
điều tra do nhiều giới cung cấp (bài vở của học sinh các trường phổ thông,
báo chí, công văn, bài nói trên các đài phát thanh và truyền hình, thư từ,
v.v.), chúng tôi đã được Ban Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại
TP. Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phân công
soạn thảo một đề cương phân loại các lỗi ngữ pháp và tìm phương pháp
chữa các lỗi đó, dự kiến sẽ lần lượt biên soạn những tập sách mỏng có thể
dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh ở nhà trường cũng
như cho các cán bộ công tác trong các lĩnh vực cần đến những tri thức
thực tiễn về hành văn. Công việc này không phải ngay một lúc đã có thể
làm được một cách đầy đủ như chúng tôi mong muốn. Những tập sách
“Sửa lỗi hành văn” soạn theo đề cương nói trên cần được kiểm nghiệm
qua thực tiễn sử dụng và cần được bổ sung, chỉnh lý không ngừng.
Tập sách mỏng đầu tiên mà chúng tôi cho ra mắt các bạn đọc là một thí
nghiệm mong được chính những người dùng sách tiến hành, nhằm tìm thấy
những chỗ thiếu sót cần được khắc phục dần qua những lần tái bản sau
này. Trong tập này, chúng tôi thử xử lý một trong những loại lỗi phổ biến
nhất: Lỗi trong khi dùng những câu có trạng ngữ đặt ở đầu.
Sách chia ra làm hai phần: Một phần lý thuyết được trình bày một cách
ngắn gọn để người dùng thấy rõ quan điểm của chúng tôi về các lỗi ngữ
pháp và nắm vững nguyên nhân cũng như cơ chế của loại lỗi ngữ pháp
được bàn đến trong tập này; và sau đó là phần chính, phần thực hành,
trình bày từng dạng lỗi một, phân tích cơ chế của lỗi, đề ra cách sửa căn
cứ trên việc tận dụng những khả năng dùng nhiều phương tiện khác nhau
để diễn đạt cái ý mà người phạm lỗi muốn diễn đạt, và đề ra những bài tập