lo sợ sự can thiệp của Iran, ở đây không phải là chuyện biện minh
theo hậu nghiệm cho cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003, cũng
không phải cho những khoản tiền lớn đã tiêu tốn, mà cũng không
phải là biện minh cho hàng trăm ngàn người đã chết, nhưng lâu dần
nó có thể phát lộ một điều là sự sụp đổ của Saddam Hussein đã mở
đầu một quá trình giải phóng của cả hai nước, chứ không chỉ một
nước duy nhất. Hoàn toàn tương tự như việc địa lý đã tạo thuận lợi
cho Iran thuộc địa hóa nền chính trị Iraq một cách tinh tế nhờ những
cơ quan mật vụ của mình, nó cũng có thể tiếp tay cho Iraq ảnh
hưởng tới Iran.
Triển vọng về một sự thay đổi (hoặc diễn biến) hòa bình, bất
chấp sự trấn áp Phong trào Xanh, có nhiều khả năng xảy ra ở Iran
ngày nay hơn so với ở Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên nó
đã xảy ra. Một Iran được tự do, cùng lúc được cộng hưởng với
những chính phủ dân chủ hơn trong thế giới Arab (những chính phủ
sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội của mình do có
những rủi ro bạo loạn) sẽ khuyến khích một sự cân bằng giữa
những người Sunni và Shia ở Trung Đông. Điều đó sẽ cho phép khu
vực này chuyển hướng tập trung vào sự biến động của chính mình,
chứ không cần phải bị ám ảnh - như hiện nay nó đang phải trải qua -
bởi Hoa Kỳ và Israel.
Ngoài ra, một chế độ linh hoạt hơn tại Tehran có thể sẽ khởi đầu
được một sự phục hưng văn hóa trong đế chế Ba Tư cổ xưa mà
không bị cản trở bởi các thế lực giáo sĩ phản động. Một Iran như thế
chắc chắn sẽ ít tập trung hơn, bởi lẽ có nhiều dân tộc thiểu số tương
đối lớn, như người Kurd, Azerbaijan, Turkmenistan, v. v. , sống ở
phía bắc đất nước và những nơi khác. Những người này, đến lượt
mình, cũng có thể phần nào thoát khỏi sự kiểm soát của Tehran.