Nhưng, mặc dù tập đoàn quân Pri-mô-ri-ê quyết tâm và kiên trì chiến
đấu, những hoạt động của các đơn vị của nó không những không mang lại
kết quả mong muốn, mà còn dẫn đến những tổn thất to lớn lẽ ra không đáng
có, do đó, Đại bản doanh rất lo lắng. Tổng tư lệnh tối cao, trong khi nói
chuyện bằng điện thoại với tôi đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về việc chỉ
đạo tác chiến của tập đoàn quân Pri-mô-ri-ê. Ngày 27 tháng Giêng, một bản
chỉ thị được gửi cho Pê-tơ-rôp và Vô-rô-si-lốp, nội dung như sau:
“Các hoạt động của tập đoản quân Pri-mô-ri-ê cho thấy rõ rằng bây giờ,
những cố gắng chủ yếu của tập đoàn quân đều nhằm đánh chiếm thành phố
Két-tsơ bằng những trận chiến đấu gay go trên đường phố, các trận đánh
trong thành phố đang dẫn tới những tổn thất to lớn về người và gây khó
khăn cho việc sử dụng các phương tiện tăng cường hiện có ở tập đoàn quân
là pháo phản lực, xe tăng, máy bay.
Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao vạch rõ sự khác nhau giữa tập
đoàn quân Pri-mô-ri-ê và địch là ở chỗ tập đoàn quân Pri-mô-ri-ê có ưu thế
hơn địch nhiều về số quân, pháo binh, xe tăng và máy bay. Tập đoàn quân
đang mất đi những ưu thế đó, vì sa vào những trận đánh trên đường phố
trong một thành phố mà ở đây, địch đã củng cố vững chắc, còn ta thì phải
mở những trận tiến công dai dẳng để chiếm từng đường phố, từng ngôi nhà,
lại không có điều kiện để sử dụng có hiệu quả tất cả các phương tiện chế áp
mà ta sẵn có. Đại bản doanh cho rằng chiến thuật đó của bộ tư lệnh tập đoàn
quân là sai lầm rất căn bản, chỉ có lợi cho địch và hoàn toàn bất lợi cho ta.
Đại bản doanh cho rằng những cố gắng chủ yếu của tập đoàn quân cần
phải đánh địch ở dã ngoại là nơi có đầy đủ khả năng sử dụng có hiệu quả
mọi phương tiện tăng cường của tập đoàn quân. Những ý kiến cho rằng
không thể nào chọc thủng trận địa phòng ngự mạnh mẽ của địch ở dã ngoại
là hoàn toàn không có căn cứ, vì ngay phòng tuyến của Đức ở Lê-nin-grát
mạnh gấp ba lần phòng tuyến của chúng ở Kéc-tsơ cùng đã bị chọc thủng
nhờ có sự chỉ huy khéo léo.