Bây giờ cuộc tiến công đã diễn ra trên khắp trận tuyến: tập đoàn quân
cận vệ 2 tiến đến Ép-pa-tô-ri-a dọc theo bờ Tây của bán đảo; tập đoàn quân
51 đi xuyên qua thảo nguyên tiến thẳng tới Xim-phê-rô-pôn; tập đoàn quân
Pri-mô-ri-ê đi xuyên qua Phê-ô-đo-xi-a dọc bờ Nam Crưm mà ở đấy, trên
các dãy núi, các binh đoàn du kích đã công khai chuyển sang hoạt động tích
cực. Hạm đội Biển Đen cùng không quân của hải quân đánh phá các đường
giao thông trên biển của địch, cũng như những nơi tập trung quân và tàu
chiến của chúng ở Xu-đắc, A-lu-sta và Ba-la-cla-va.
Ngày 13 tháng Tư, cờ đỏ lại phấp phới bay trên Xim-phê-rô-pôn, Ép-
pa-tô-ri-a và Phê-ô-đô-xi-a. Tiếp đó, bộ đội Liên Xô ồ ạt tiến lên trên tất cả
các hướng ở phía Nam bán đảo. Bọn địch tháo chạy hoảng loạn. Ngay ngày
14 và 15 tháng Tư, Ba-khơ-tsi-xa-rai, Xu-đắc và A-lu-sta đã được giải
phóng; ngày 15 tháng Tư, các đơn vị cơ động của tập đoàn quân 51 đã tiến
đến vành đai phòng ngự bên ngoài của Xê-va-xtô-pôn là niềm hy vọng cuối
cùng của quân địch, vì chúng đã xây dựng ở đây một khu vực phòng ngự
mạnh.
Vì thành tích chiến đấu xuất sắc, Tổng tư lệnh tối cao đã tỏ lời khen
ngợi những người đã giải phóng Xim-phê-rô-pôn, và thủ đô Mát-xcơ-va đã
bắn súng chào mừng họ một cách trọng thể.
Trong hàng ngũ quân địch, tâm trạng tan rã đã bộc lộ rõ rệt. Bọn Ru-
ma-ni sẵn sàng đầu hàng. Bọn Đức tập trung vào Xê-va-xtô-pôn. Hít-le
tuyên bố đây là “thành phố pháo đài” của nó. Như thế có nghĩa là quân địch
sẽ phải bảo vệ thành phố này đến tên lính cuối cùng. Hít-le kêu gọi chúng
bảo vệ Crưm “như pháo đài cuối cùng của người Gốt”. Thế là hắn nhờ cả
lịch sử giúp sức.
Nhưng những lời kêu gọi của quốc trưởng đều vô ích. Bộ đội Liên Xô
chỉ cần mấy ngày để chiếm Xê-va-xtô-pôn. Còn những câu thần chú và
những lời kêu gọi của bộ chỉ huy phát-xít thì tan biến hết, chỉ sót lại những
tờ truyền đơn rải rác khắp nơi và cuốn theo gió biển.