Cả hai phương diện quân có 14 tập đoàn quân bộ đội hợp thành, 1 tập
đoàn quân xe tăng, 2 tập đoàn quân không quân, 8 quân đoàn xe tăng, cơ
giới và 1 quân đoàn kỵ binh. Tổng số quân tham gia chiến dịch lúc đó gồm
gần 1 triệu 600 nghìn người, có 21.500 pháo và súng cối, gần 3.800 xe tăng
và pháo tự hành và trên 3.000 máy bay. Như vậy là trên hướng Đông Phổ và
ở Bắc Ba Lan, bộ đội ta trội hơn địch: về số quân - 2,7 lần, về pháo - 2,6
lần, về xe tăng - 4,7 lần, về máy bay - 2,9 lần.
Vậy chiến dịch này đã được vạch kế hoạch như thế nào? Vào những
ngày đầu tháng Mười một năm 1944, Gh. C. Giu-cốp và tôi được gọi về
Mát-xcơ-va. Ngày 5 tháng Mười một, do việc đột phá vào lãnh thổ Đông
Phổ không có kết quả nên bộ đội Phương diện quân 3 đã được lệnh chuyển
sang phòng ngự cứng rắn ở miền Nam Lít-va. Theo chỉ thị ngày 8 tháng
Mười một của Đại bản doanh, tôi được giao chỉ đạo những chiến dịch của
các Phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 hoạt động ở Bắc Lít-va và ở Lát-
vi-a. Tháng Mười một năm 1944. Bộ Tổng tham mưu và Đại bản doanh tiến
hành việc lập kế hoạch cho chiến cục đông xuân năm 1945.
Dù sao cũng phải đánh tan cánh quân Hít-le ở Đông Phổ, vì có như vậy
mới có thể để các tập đoàn quân của Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2
được rảnh tay mà hoạt động trên hướng chính, và mới thủ tiêu được nguy
cơ địch từ Đông Phổ đánh thọc sườn vào bộ đội Liên Xô đột phá trên
hướng này .
Theo ý đồ đó, mục tiêu chung của chiến dịch là cắt đứt các tập đoàn
quân của cụm quân “trung tâm” đang phòng ngự ở Đông Phổ khỏi các lực
lượng khác của quân phát-xít dồn chúng ra biển, chia nhỏ và tiêu diệt từng
bộ phận, hoàn toàn quét sạch chúng khỏi đất Đông Phổ. Thắng lợi của chiến
dịch đó là cực kỳ quan trọng về chiến lược và có ý nghĩa không những đối
với cuộc tổng tiến công của bộ đội Liên Xô mùa đông năm 1945, mà còn
đối với cả kết cục cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại nói chung nữa.