diện bất ngờ: từ Cơ-ních-xbe và từ bán đảo Dem-lan-dơ. Sau ba ngày kịch
chiến, chúng đã đẩy lùi được bộ đội phương diện quân của ta và tạo một
hành lang nối liền cánh quân Cơ-ních-xbe với cánh quân ở bán đảo Dem-
lan-dơ.
Do tình hình đó và do các hoạt động nhằm tiêu diệt các cánh quân địch
ấy đòi hỏi phải có một sự lãnh đạo thống nhất, nên ngày 21 tháng Hai, Đại
bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã quyết định chuyển các đơn vị hoạt
động ở Đông Phổ vào Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3, giao thêm cho
phương diện quân này nhiệm vụ tiêu diệt tất cả các binh đoàn địch ở đây
Theo quyết định này, từ 24 giờ ngày 24 tháng Hai năm 1945, giải thể
Phương diện quân Pri-ban-tích 1; các đơn vị của nó đổi tên thành cụm quân
Dem-lan-dơ và nhập vào Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3. Đại tướng I.
Kh. Ba-gra-mi-an được bổ nhiệm làm tư lệnh cụm quân Dem-lan-dơ và
đồng thời là phó tư lệnh Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3. Như vậy là giờ
đây, Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 hợp nhất gồm có tập đoàn quân cận
vệ 2, các tập đoàn quân 43, 39, 5, 50, tập đoàn quân cận vệ 11, các tập đoàn
quân bộ đội hợp thành 31, 28, 3 và 48, các tập đoàn quân không quân 1 và
3.
Các trận đánh ác liệt đã diễn ra cho đến cuối tháng Hai. Quân Hít-le và
cùng với chúng có các đội SĐ (lực lượng an ninh trực thuộc người đứng
đầu SS), đội SA (xung kích), đội SS FT (các đơn vị quân cảnh), những
nhóm thể thao thanh niên “Sức mạnh thông qua niềm vui”, đội FS (vệ binh
tình nguyện), các phân đội NSNKK (các đơn vị mô-tô hóa của phát-xít),
ZIPO (cảnh sát an ninh) và GFP (cảnh sát dã chiến bí mật) đã kháng cự kịch
liệt.
Bộ đội Liên Xô bị thiệt hại nặng nề. Số quân chiến đấu của các đơn vị
sụt hẳn xuống, sức đột kích của phương diện quân giảm đi. Quân số bổ
sung hầu như không đến, vì Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô vẫn dồn mọi
cố gắng vào hướng Béc-lin như trước.