Khi chuẩn bị chiến dịch đã phải tính đến cả vấn đề là sau khi bố trí lại
lực lượng, các Phương diện quân Viễn Đông đã được bổ sung một phần lớn
bộ đội trước đây đã đóng ở Viễn Đông. Họ thiếu hoặc hoàn toàn không có
kinh nghiệm chiến đấu, vì trước đây họ chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên
giới phía Đông của đất nước xô-viết. Còn bộ đội chuyển từ phía Tây tới thì
có kinh nghiệm chiến đấu tốt, nhưng không quen chiến trường Viễn Đông,
không hiểu biết tính chất và đặc điểm của quân Nhật. Trong khi chuẩn bị
cho bộ đội hoạt động chiến đấu sắp tới, bộ tư lệnh đã đề ra mục tiêu là tạo
nên khí thế tiến công, dựa vào trình độ quân sự giỏi và kỹ năng chiến đấu
trong điều kiện phức tạp của chiến trường mới .
Nhân dân Liên Xô đã không ngừng cung cấp cho các chiến sĩ tất cả
những thứ cần thiết để hoạt động chiến đấu sắp tới Ngay tháng Giêng năm
1945, Ban chấp hành trung ương Đảng đã nghe báo cáo của các bí thư khu
ủy G. A. Bô-rô-cốp và N. M. Pê-gốp về tình hình công tác chuẩn bị chiến
tranh ở các khu Kha-ba-rốp-xcơ và Pri-mô-ri-ê. Trong nghị quyết thông qua
các bản báo cáo đó có chỉ ra những biện pháp cụ thể nhằm hướng nền kinh
tế của Viễn Đông vào việc bảo đảm những nhu cầu của các Phương diện
quân Viễn Đông.
Vào tháng Tư - tháng Năm và tháng Bảy năm 1945, Hội đồng quốc
phòng Nhà nước đã thông qua một số nghị quyết về những biện pháp nhằm
cải tiến hoạt động của đường sắt ở Viễn Đông, tăng việc khai thác dầu mỏ ở
Viễn Đông lên 20% trong năm 1945, phát triển liên lạc hữu tuyến giữa Mát-
xcơ-va với Viễn Đông và Da-bai-can, phát triển các căn cứ hải quân và các
thương cảng ở Vla-đi-vô-xtốc, ở vũng Na-khốt-ca và Ni-cô-la-ép-xcơ trên
sông A-mua.
Chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan các tập đoàn quân được chuyển từ Đông
Phổ và từ vùng Pra-ha tới Viễn Đông chỉ được biết chung chung là có lẽ họ
phải chiến đấu chống đạo quân Quan Đông của Nhật. Họ không biết và
không thể biết thời gian cụ thể bắt đầu chiến cục, không biết chính xác nơi