cánh quân chủ yếu đã vượt qua dãy núi này và tiến vào đồng bằng Trung
Mãn Châu.
Cuộc vượt qua dãy núi Hưng An là chiến công có một không hai trong
chiến tranh hiện đại. Đến cuối ngày 14 tháng Tám, bộ đội Phương diện
quân Da-bai-can, sau khi trải qua chặng đường dài từ 250 đến 400 km, đã
tiến vào các vùng trung tâm của Mãn Châu và tiếp tục tiến đến thủ phủ của
nó là Trường Xuân và trung tâm công nghiệp lớn Thẩm Dương.
Cũng trong thời gian đó, trong điều kiện địa hình núi rừng tai-ga hiểm
trở, bộ đội Phương diện quân Viễn Đông 1 đã chọc thủng tuyến phòng thủ
mạnh giống như “tuyến Man-néc-hem” ở eo đất Ca-rê-li-a, nhưng có quy
mô lớn hơn, và sau khi đánh chiếm bảy khu vực phòng thủ vững chắc, đã
tiến sâu vào Mãn Châu từ 120 đến 150 km và mở đầu trận đánh để chiếm
thành phố Mẫu Đơn Giang. Bộ đội Phương diện quân Viễn Đông 2 chiến
đấu ở các cửa ngõ tiên đến Tề Tề Cáp Nhĩ và Gia Mộc Tư. Như vậy, ngay
cuối ngày tiến công thứ sáu của bộ đội Liên Xô, đạo quân Quan Đông đã bị
chia cắt ra thành nhiều bộ phận.
Sỏ dĩ bộ đội Liên Xô hoạt động trên những hướng chiến dịch riêng biệt
và tách rời nhau mà vẫn có thể tiến công với nhịp độ nhanh chóng như vậy
chỉ là do biết bố trí lực lượng một cách có suy tính kỹ, do nắm vững những
đặc điểm thiên nhiên của địa hình và tính chất hệ thống phòng thủ của địch
ở mỗi hướng chiến dịch, do sử dụng rộng rãi và táo bạo các binh đoàn xe
tăng, cơ giới và kỵ binh, do hành động bất ngờ, khí thế tiến công cao, ý chí
kiên quyết, mạnh dạn và khôn khéo, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng
tập thể của cán bộ, chiến sĩ Hồng quân và Hải quân.
Trong suốt chiến cục, bộ đội Viễn Đông đã được bộ đội biên phòng giúp
đỡ rất nhiều. Ngay trong những ngày đầu của chiến cục Mãn Châu, họ đã
cùng với bộ đội dã chiến tấn công và tiêu diệt nhiều cứ điểm biên phòng và
các khu vực phòng thủ vững chắc của địch. Trong quá trình những trận
đánh tiếp theo, bộ đội biên phòng đã tham gia tích cực vào việc truy kích