không quan niệm sự thô bạo là dấu hiệu tính cách cứng rắn của nhà cầm
quân, hơn nữa nó cũng không phải là một yếu tố trong việc lãnh đạo bộ đội.
Theo tôi, tất cả vấn đề là ở chỗ người chỉ huy quân sự phải biết tự chủ.
Có lần, tôi ở mặt trận về Đại bản doanh. Công việc ở mặt trận tiến hành
tốt. Tổng tư lệnh tối cao hài lòng với các đại diện Đại bản doanh. Tôi nhớ,
đồng chí có nói với tôi:
— Đồng chí Va-xi-lép-xki, đồng chí lãnh đạo bao nhiêu bộ đội và đã có
kết quả, còn bản thân đồng chí thì lành như bụt.
Đó chỉ là một câu nói đùa. Nhưng, thú thật, không phải bao giờ cũng dễ
mà giữ được bình tĩnh và tự kiềm chế được để khỏi to tiếng. Nhưng… có
lúc cũng phải nín lặng, cố nhịn, không được mắng nhiếc, quát tháo. Biết cư
xử đứng đắn với cấp dưới là một đức tính không thể thiếu của người chỉ
huy quân sự Liên Xô.
Nắm vững cá tính của từng cán bộ chỉ huy quân sự, Đại bản doanh Bộ
Tổng tư lệnh tối cao đã chỉ đạo bộ tư lệnh các phương diện quân và lãnh
đạo cuộc đấu tranh vũ trang nói chung không theo khuôn sáo, mà tùy từng
trường hợp áp dụng những hình thức và phương pháp có lợi nhất.
Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối
cao không những giúp đỡ cho các phương diện quân, mà nhiều khi còn dạy
cho họ nghệ thuật chiến thắng. Có thể dẫn chứng điều này bằng những văn
kiện lưu trữ mà tôi đã nêu trong nhiều chương của cuốn sách này. Tôi xin
dẫn thêm ở đây một văn kiện để chứng minh điều đó. Nó được gửi cho các
tư lệnh phương diện quân trong thời kỳ chuẩn bị phản công ở vùng Xta-lin-
grát. Trong đó nói:
“Trong việc tiến hành các chiến dịch tiến công, các tư lệnh phương diện
quân và tập đoàn quân đôi khi coi đường ranh giới quy định cho họ như là
một hàng rào hay một bức tường ngăn cách mà họ không dám vượt qua,