Đến khi đã thân nhau, thấy người đàn ông khắc khổ đã 55 tuổi sống trơ
trọi một mình, Hoà mạnh dạn hỏi:
- Thầy có định đón vợ con ở Đàng Ngoài vào không?
Đào Duy Từ cười cay đắng:
- Kẻ tứ xứ lưu vong đi tìm chân chúa, gia thất làm chi cho thêm vướng
bận.
- Thế thầy đã tìm được chân chúa chưa?
- Tôi thấy chúa Đàng Trong có chí tự cường, ở ngôi cao mà không khoe
khoang, kiêu ngạo. Các đình thần thì trên dưới một lòng, người bốn phương
cảm phục mà tụ hội...
Hoà cả mừng:
- Vậy tức là thầy đã quyết dừng chân nơi đây. Nói thật, ta có một đứa con
gái yêu, tính tình đoan trang, học hành không dở lắm, nhan sắc chẳng nỗi
nào. Nhiều nơi đánh tiếng xin nhưng ta đều chưa thuận. Nếu thầy ưng, ta gả
cho.
Đào Duy Từ xúc động quỳ xuống bái tạ:
- Tướng quân vì nghĩa đãi Từ, ân cần, trọng thị, Từ này cảm kích vô cùng.
Nay lại có lòng yêu, tác thành cho. Từ xin nhận và lạy tạ.
Trần Đức Hoà cả cười:
- Đứng dậy đi. Đứng dậy đi. Ta biết tài của thầy, phú quý rồi không biết
đâu mà kể. Ta cho làm lễ cưới ngay, kẻo muộn thiên hạ lại bảo là ta ham hố
giàu sang.
Đến lúc đó Duy Từ mới nói thật gốc gác của mình và đưa cho Đức Hoà
bài Ngọa Long cương vãn. Đó là bài thơ nôm dài 136 câu, trong đó Đào
Duy Từ ví mình như Ngọa Long tiên sinh tức Khổng Minh. Đức Hoà vừa
đọc vừa gật gù:
Ngẫm xem thánh nọ hiền kia
Tài này, nào có khác gì tài xưa...