Lúc ấy, chúa Nguyễn vừa đánh tan quân Trịnh ở cửa sông Nhật Lệ. Khám
lí Trần Đức Hoà vào phủ chúa Sãi chúc mừng, rồi tâu:
- Tin này mừng thì mừng thật nhưng thần xin đem đến cho chúa thượng
một tin còn mừng gấp bội. Thần mang Gia Cát thời nay đến cho chúa
thượng đây.
Đoạn ông rút trong tay áo ra bài Ngoạ Long cương vãn dâng lên. Chúa
đọc liền một mạch, mừng như bắt được của. Ngay hôm sau, triệu Duy Từ
vào chầu.
Thấy Đào Duy Từ từ xa, chúa Sãi mặc phẩm phục thiết triều bước ra tận
cổng dinh đón. Rồi ông dắt tay Duy Từ bước lên điện. Chúa mời ngồi rồi
ngồi ngay bên cạnh, trách yêu:
- Sao giờ khanh mới đến. Ta chờ đỏ cả mắt.
Chúa tôi đàm đạo, điều gì cũng hợp ý nhau. Chỉ sau một buổi gặp gỡ,
Chúa phong cho Đào Duy Từ làm Nha uý nội tán, tước Lộc Khê hầu, sau là
Tham mưu chính sự coi việc triều chính và quân cơ. Từ đó như cá gặp nước,
chúa tôi luôn luôn bên nhau như hình với bóng. Đào Duy Từ mang hết tài
năng chính trị và quân sự ra phò chúa Nguyễn.
Ông cho đắp luỹ Trường Dục và Nhật Lệ chặn bước tiến của Đàng Ngoài.
Nhờ vậy, dù binh lực chỉ bằng một phần ba quân Trịnh, quân Nguyễn cũng
chặn đứng được các cuộc Nam phạt của họ. Đào Duy Từ lại biên soạn sách
Hổ trướng khu cơ, dạy cho các tướng cách tổ chức, huấn luyện quân sĩ, chế
tạo chiến cụ, vũ khí cho quân mình. Ông bày cho chúa Nguyễn cách duyệt
đinh, thu thuế theo các bậc, ngạch khác nhau, nhờ đó việc huy động đóng
góp của dân chúng được công bằng và ổn định. Ông cũng đưa ra chính sách
khuyến khích khẩn hoang, thu hút được dân li tán tham gia vào phát triển
nông nghiệp, làm nên những vụ bội thu liên tiếp, kho lương lúc nào cũng
đầy ắp. Đặc biệt, Duy Từ tiến cử cho chúa hai vị tướng tài là Nguyễn Hữu
Tiến và Nguyễn Hữu Dật làm lương đống triều đình. Trong gần tám năm
dưới triều chúa Sãi, bộ mặt của Đàng Trong thay đổi hẳn...
Được coi là đệ nhất công thần, đặc biệt được đánh giá rất cao trong giai
đoạn khởi đầu cơ nghiệp của các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ về sau được