chấp. Sau hàng năm “nghiên cứu” tính cách Phúc Lan, Tống thị quyết định
ra tay. Thị gửi tặng chúa Thượng chuỗi ngọc Vạn hoa rồi xin được yết kiến
chúa. Bằng nghệ thuật chinh phục đàn ông điêu luyện, thị kể lể thảm thiết
cảnh gái goá đơn côi lạnh lẽo của mình. Chúa mủi lòng thương, cho vào ở
trong cung, bất chấp sự phản đối của mọi người. Hằng ngày gặp gỡ, mối
tình giữa chúa - em chồng và người chị dâu nảy nở. Hai người ngang nhiên
ăn ở với nhau. Tệ hơn nữa, chúa sẵn lòng chiều theo mọi ý thích của thị. Thị
xúi chúa dùng người này, gạt người kia, nhất là những cận thần trung nghĩa,
hay can gián chúa về những hành động không xứng với vị minh quân. Nhiều
trung thần bị vu khống, hãm hại. Ai chống đối Tống thị liền bị bắt giam, sát
hại. Chúa còn tiếp tay cho thị trong việc mua quan bán tước, nhận hối lộ,
buôn bán sản vật quý trong nước với các tàu buôn Tây dương. Chẳng mấy
chốc, thị đã trở thành một người giàu có nhất nhì trong nước, vàng bạc châu
báu chất đầy nhà, tiền bạc như nước không kém gì quốc khố trong phủ chúa.
Nhưng đáng buồn hơn, Tống thị đã biến chúa Thượng thành một người khác
hẳn: từ một vị chúa khiêm cung, nhân hậu, sáng suốt, ông trở thành một
người nóng nảy, hiếu sát, hoang dâm vô độ, bỏ bê quốc sự. Triều thần hết
sức lo lắng nhưng không biết làm thế nào.
Đến khi chúa đòi tăng thuế của dân để xây cung điện làm nơi ở với Tống
thị lúc về già, thì điều phải đến đã đến. Giọt nước tràn li đã khiến các bậc
trung thần phải quyết đoán. Trong một buổi thiết triều, quan Nội tán Viên
Hiển hầu họ Phạm đã lén mang theo một thanh gươm ngắn. Buổi chầu kết
thúc, ông xuất ban, xin tâu. Giọng ông sang sảng, rành từng chữ:
- Chúa thượng say đắm một dâm phụ đến coi nhẹ đạo lí, nhân luân, buông
lỏng giềng mối, gây cảnh điêu linh, thống khổ cho sĩ thứ lê dân giữa lúc
thiên tai, hạn hán đang lan tràn. Việc này nhất định khó tránh khỏi hoạ suy
vong.
Đoạn ông rút gươm kề vào cổ:
- Thần xin chết trước mặt chúa thượng để khỏi nhìn thấy cảnh nước mất
nhà tan.