tăng Trung Hoa là đại sư Thích Đại Sán, mời sang thuyết giảng về giáo lí
đạo Phật, đồng thời còn dùng như một cố vấn trong việc trị quốc: “đem
những việc chính trị bàn luận, đều là những chuyện thương lính, yêu dân,
thông thương lợi quốc, kỉ cương pháp độ”... Vị cao tăng này khi về nước đã
viết quyển Hải ngoại kỉ sự kể về chuyến đi của ông, trong đó có không ít lời
ca ngợi Quốc chúa và xã hội Đàng Trong khi ấy.
Chúa Nguyễn Phúc Chu quan tâm đến việc đào tạo nhân tài, đòi hỏi thi cử
phải thật nghiêm túc. Kì thi “nhiêu học” năm 1723, quan giám khảo lấy đỗ
77 người, bị dư luận học trò bàn tán xôn xao. Chúa đích thân khảo hạch lại
và kết quả là không một sĩ tử nào được chấm đỗ cả. Chỉ riêng sự việc này đã
đủ thấy ông nghiêm khắc với “chất lượng thi cử” đến thế nào!
Với tầm nhìn vượt trước thời đại, chúa Nguyễn Phúc Chu đã phá bỏ chính
sách “bế quan tỏa cảng” từ các đời chúa trước. Ông cho phép thương thuyền
Tây dương, Trung Hoa, Nhật Bản ra vào buôn bán tự do. Ông đi thăm Hội
An, lúc này đã thành một thương cảng sầm uất, đầu mối thông thương bằng
đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương (Indonesia), Ấn Độ,
v.v... Ông biết lợi dụng người phương Tây để tiếp thu binh pháp và kĩ thuật
quân sự của họ nên lực lượng quân đội dưới thời ông khá mạnh. Chúa dùng
một kĩ sư Tây dương là Jean de Arnedo để mở mang về khoa học và kĩ
thuật. Đồng thời mở rộng vòng tay đón những quan lại nhà Minh cũ, bất
phục tùng Thanh triều bỏ nước ra đi. Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc
Cửu... là những người được ông dung nạp, phong quan tước, để họ mang
dân đi khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi.
Quốc chúa còn là một nghệ sĩ tài hoa. Ông mê hát tuồng và trong những
buổi diễn hát bội ở cung đình, ông là một tay đánh trống chầu lão luyện.
Ông đa tình, để lại nhiều bài thơ “khóc vợ” rất hay và cảm động. Theo Liệt
truyện, ông là vị chúa có nhiều con nhất, tổng cộng 146 người, trong đó có
38 hoàng tử.
Song việc chúa Nguyễn Phúc Chu dành nhiều tâm huyết nhất là mở mang
bờ cõi biên cương. Trong công cuộc này, ông được sự trợ giúp rất đắc lực
của một triều thần thân tín là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một nhà