Thế rồi, theo quy luật tự nhiên, cả Lương Thế Vinh và Lê Thánh Tông lần
lượt qua đời. Lương Thế Vinh mất trước, nhà vua vô cùng thương tiếc, làm
bài thơ khóc Trạng, trong đó có câu: “Danh lạ còn truyền để quốc gia”. Một
năm sau, đến lượt Lê Thánh Tông ra đi, nhưng xem ra ông không được
hưởng cái chết tự nhiên như Trạng Lường. Nguyên Lê Thánh Tông có nhiều
vợ. Hoàng hậu là bà Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng vốn bị vua xa lánh lâu
ngày, nên nuôi lòng oán hận. Năm 1497, khi Lê Thánh Tông bị bệnh phù
thũng, bà lấy cớ vào thăm bệnh vua, rồi ngầm bôi thuốc độc vào tay xoa lên
những chỗ loét của ông. Do đó bệnh vua càng nặng thêm và chẳng bao lâu
sau thì mất.
Hoàng thái tử Lê Tranh, con trưởng của Lê Thánh Tông với Hoàng hậu
Nguyễn Thị Hằng lên nối ngôi, tức Lê Hiến Tông, vị vua thứ sáu nhà Hậu
Lê. Là con trưởng, lên ngôi khi tuổi đã chín (vừa tròn ba giáp), bản thân
cũng là người thông minh, nhân hậu, ở ông hội tụ đủ các yếu tố khiến cho