Để kiếm cớ xâm lược, tướng Trương Nhạc trấn giữ Châu Liêm truyền yêu
sách đòi Mạc Đăng Dung phải đích thân tới cửa quan, nộp đất dựng mốc, từ
bỏ đế hiệu, chịu tiến cống và tuân theo lịch “chính sóc” của Trung Hoa.
Bấy giờ Mạc Đăng Dung đã có tuổi, con là Đăng Doanh lên ngôi vừa mới
mất, cháu là Phúc Hải hơn một tuổi được đặt lên ngai. Nếu chiến tranh nổ ra,
nguy cơ thất bại là chắc chắn. Mạc Đăng Dung biết được rằng nhiều quan lại
nhà Minh và ngay cả Mao Bá Ôn được lệnh đem quân đi đánh, nhưng vẫn
có thái độ chùng chình. Cân nhắc kĩ từng yêu sách của chúng đưa ra, ông
quyết định trước mắt phải chịu nhịn nhục đã.
Mạc Đăng Dung cùng một số cận thần lên đường đến trấn Nam Quan để
“hội khám” với sứ Tàu. Lúc này ông đã trạc lục tuần, gánh nặng quốc gia
càng khiến ông trông già sọm. Ông lựa theo yêu cầu của chúng, không xưng
đế nữa, nghĩ bụng cốt sao mình vẫn làm chủ đất nước và dân mình thì được
yên. Chúng đòi trả mấy động mà Nùng Chí Cao đã chiếm của nhà Tống từ
thời nhà Lí, ông thấy cũng chấp nhận được, miễn là chúng không đòi hỏi
thêm đất đai của ta. Chuyện cống nạp thì trước nay vẫn vậy. Còn việc dùng
lịch Tàu, các triều đại trước có thời cũng từng theo ngày Sóc, ngày Vọng do
họ tính toán, nay cứ tạm coi như mượn dùng lại vậy. Mạc Đăng Dung tự nhủ
thầm sau mỗi điều khoản sứ giặc đưa ra...
Đạt được các yêu sách, Mao Bá Ôn yên tâm dâng sớ lên triều đình, lại vẽ
vời thêm những cái lợi để rút quân về. Vậy là cuộc chiến tranh tàn khốc đã
không xảy ra. Mạc Đăng Dung trở về Dương Kinh (cung điện của ông ở quê
hương Cổ Trai, Hải Dương), trút được một phần mối lo nhưng lòng vô cùng
phiền muộn. Có ai làm vua mà phải tự hạ mình trước ngoại bang như ông
không? Liệu có đúng ông chịu nhẫn nhục cho sự yên dân, yên nước, hay
chẳng qua là để được yên mình? Liệu cái giá phải trả có là quá đắt? Sự tủi
nhục ngày đêm gậm nhấm khiến cho cơ thể vốn cường tráng của một đô lực
sĩ như ông khó mà chịu hơn được. Sức khỏe của Đăng Dung suy sụp nhanh
chóng, và ngay khi Mao Bá Ôn về đến Bắc Kinh thì cũng là lúc ông trút hơi
thở cuối cùng.