Đọc Iliad và Odyssêy của đại thi hào Homer
“là một cách trau dồi trí tuệ và đức hạnh”
Bắt đầu từ những nhà truyền giáo cho tới kỷ nguyên toàn cầu hóa và tiếp
tục trong tương lai, những ảnh hưởng của văn minh phương Tây tới Việt
Nam không chỉ dừng lại ở khoa học cơ bản, mà còn mở rộng đến các ngành
khoa học xã hội và nghệ thuật. Vì vậy, để thực sự khai thác xu hướng này,
chúng ta cần tìm hiểu nền tảng và cội nguồn của văn minh phương Tây: Hy
Lạp cổ đại. Không hề quá lời khi cho rằng, việc tìm hiểu Hy Lạp cổ đại là
một điều kiện tiên quyết nhằm mang lại sự hiểu biết thấu đáo liên quan đến
những luận điểm và học thuyết chủ đạo đang chi phối thế giới mà chúng ta
đang sống: Lịch Sử và Thần Thoại, Giới Tính và Xác Thân, Tôn Giáo và
Hôn Nhân, Chính Trị và Dân Chủ…
Sau khi đã ra mắt hai tác phẩm được coi là “gối đầu giường” của mọi
chính trị gia Cộng Hòa (Plato) và Chính Trị Luận (Aristotle), Alpha Books
tiếp tục mang đến hai thiên sử thi kinh điển và là cột trụ của văn minh
phương Tây: Iliad và Odyssêy của đại thi hào Homer. Ngay cả những chính
trị gia lỗi lạc như Plato, Aristotle hay đến cả bậc quân vương như
Alexander Đại Đế cũng xem việc đọc hai tác phẩm này là một cách trau dồi
trí tuệ và đức hạnh.
Thế nhưng lời giới thiệu này rất có thể sẽ gợi nỗi băn khoăn nơi số đông
độc giả phổ thông là việc đọc những tác phẩm cổ điển như Iliad và Odyssêy
có thực sự mang lại bất kì lợi ích thiết thân nào hay không, khi khoảng cách
không gian và thời gian giữa tác phẩm và độc giả cách nhau trùng khơi vời
vợi.
Câu trả lời ở đây là CÓ.
Iliad và Odyssêy là những bản trường ca của binh lửa và giáo gươm. Ở
đó những kẻ nhút nhát và rụt rè trước chiến trận mới chính là đối tượng bị
dè bỉu. Nhưng Homer không cổ súy cho chiến tranh mà dùng chiến tranh để
thử thách con người và dùng Cái Chết để bộc lộ đức hạnh của họ.