Trong thời kỳ vua ấy thống trị thiên hạ, thì có Phật Bảo Tạng ra đời.
Vua thấy nhân tâm xu hướng theo lời giáo hóa của Phật càng ngày càng
đông, bèn suy nghĩ rằng:
"Nếu đạo Phật không phải chân chánh, thì đâu có lẻ người ta sùng bái khắp
xứ như vậy!"
Nên vua mới phát tâm sắm đủ lễ vật đến cúng dường Phật và chúng tăng
trong ba tháng, và lại khuyên các vị vương tử và đại thần cũng làm như vậy.
Khi ấy Bất Huyến Thái Tử vâng lời Phụ Vương, hết lòng tin kính, sắm đủ
các món ngon quý và đem những đồ trân trọng của mình mà dâng cúng cho
Phật và đại chúng trong ba tháng, không trễ nãi bữa nào và cũng không món
gì kém thiếu.
Quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của Phật Bảo Tạng, thấy vậy khuyên
rằng: "Điện Hạ đã sẵn lòng tu phước mà cúng Phật, cúng tăng, vậy xin Điện
Hạ hãy đem công đức đó mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề, chớ nên cầu
sự phước báu trên cõi trời Đao Lợi hay là cõi trời Phạm Thiên làm chi.
Bởi vì mấy cõi ấy, tuy là cảnh vật vui tốt, nhân dân vui sướng, căn thân đẹp
đẽ, thọ mạng lâu đài, đặng phép thần thông, dạo đi tự tại, những đồ y thực
sẵn có, các cuộc du hí đủ bày, trăm thức tự nhiên thọ dụng đủ đều khoái lạc,
không có sự khổ như cõi nhân gian.
Cái phước báu trong các cõi đó tuy là mỹ mãn như thế, nhưng còn thuộc về
hữu lậu, có hư có mất, chắc chắn gì đâu, chính là sự vô thường, thật là tướng
vô định, như cơn gió thổi mau không có thế lực gì cầm lại đặng, hết vui thì
xảy ra buồn, hết sướng thì trở lại khổ, dầu có sống lâu đến mấy ngàn năm đi
nữa, cũng không khỏi con ma sanh tử lôi kéo vào đường nọ ngõ kia.
Nếu Điện Hạ cứ cầu phước báu đó, chắc không thoát khỏi ải sanh tử luân hồi,
nếu đã không khỏi luân hồi, thì chưa chắc lúc nào đặng tiêu diêu tự tại.
Chi bằng Điền Hạ đem công đức đó mà cầu món phước báo vô lậu, không hư
không mất, đời đời kiếp kiếp vượt ra ngoài ba cõi bốn dòng, hưởng sự an vui
vô cùng vô tận, và hồi hướng về đạo bồ đề mà cầu mau thành Phật quả, đặng
cứu độ chúng sanh khỏi sông mê biển khổ. Vậy phần tự lợi đã vuông tròn,
mà đức lợi tha lại đầy đủ nữa."