thảo trước nhân dân.
Làm việc trong ít năm, nếu họ tỏ ra đắc lực thì được vô Đảng, với một số
điều kiện dưới đây:
- Quyết tâm hy sinh đời mình cho cách mạng
- Chấp nhận kỉ luật của Đảng, Đảng sai làm gì cũng phải làm.
- Chí công, vô tư, nghĩa là đặt quyền lợi của nhân dân tức của Đảng, trên
quyền lợi cá nhân;
- Tự kiểm thảo và để cho đồng chí kiểm thảo;
- Học thêm để hiểu học thuyết Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông
Đảng nhờ thống nhất, đoàn kết mà sống được, vì vậy như trên tôi đã nói,
thiểu số phải triệt để phục tùng đa số. Đảng hội họp rất thường để cùng
nhau quyết định đường lối. Nguyên tắc rất tốt nhưng lần lần nhược điểm
xuất hiện: cả những việc nhỏ nhặt người ta cũng không dám lãnh trách
nhiệm, cũng họp nhau để bàn rồi lấy đa số, do đó công việc tiến rất chậm,
mất thì giờ của mọi người và nhiều người chán nản, nói cho xuôi để có đa
số mà chấm dứt buổi họp.
Thêm nhược điểm này nữa: một chính quyền độc tài, muốn có đa số thì rất
dễ (coi vụ cách mạng văn hoá ở sau), đa số đó không có nghĩa gì cả, mà rốt
cuộc đa số phải phục tùng thiểu số, trái hẳn với nguyên tắc.
Hiến pháp 1954
Quốc hội họp năm 1954 ở Bắc Kinh gồm 1226 đại biểu của toàn quốc (25
tỉnh: 18 tỉnh Trung Hoa với các tỉnh Nội Mong tự trị, Tây Tạng...) có cả đại
biểu của các dân tộc thiểu số, đại biểu hoa kiều hải ngoại nữa.
Họ họp để phê chuẩn Hiến pháp. Hiến pháp năm 1954 có lẻ là hiến pháp
thứ 10 của Trung Hoa từ năm 1911, nhưng các hiến pháp trước chỉ có trên
giấy tờ, không được thi hành, hoặc chỉ được thi hành trong một thời gian
ngắn mà cũng không được quốc dân thừa nhận. Đảng cộng sản TH cho
rằng chỉ có hiến pháp năm 1954 của họ là quan trọng nhất, thực sự là một
hiến pháp được "toàn dân chấp nhận".
- Đoạn mở đầu tuyên bố là đã thắng đế quốc, phong kiến; tin tưởng sẽ diệt
được sự bốc lột và sự nghèo khổ, và sẽ giữ tình thân hữu bất diệt với Liên
Xô (nhưng chỉ bảy, tám năm sau tình đó đã tiêu tan)