Hạp và Phạm Cự Lạng. Họ cùng với người chủ soái Đinh Bộ Lĩnh được
các sử gia Trung Quốc gọi là “Giao Châu thất hùng”. Những con người sẽ
dẹp loạn cát cứ và tạo nên vương triều họ Đinh sau này.
Ở đây chúng ta có hai chi tiết: Câu chuyện về việc treo Liễn trên ngọn
cây sào đó để ta hiểu, bản thân Đinh Liễn là một người con đã theo cha vào
sinh ra tử, đã cùng chiến đấu với cha từ thuở còn chạy loạn đến khi lên ngôi
cửu đỉnh. Đinh Liễn xứng đáng ở ngôi thái tử không chỉ vì ngài là con
trưởng mà còn vì công trạng ngài đã lập lên. Và câu chuyện “Giao Châu
thất hùng” để ta biết Lê Hoàn năm xưa là bề tôi của vua Đinh Bộ Lĩnh,
không những thế ông còn là khai quốc công thần của nhà Đinh.
Hai chi tiết đó sẽ dẫn chúng ta đến chương sử đẫm máu và ly kỳ nhất
trong giai đoạn cuối Đinh, đầu Lê.
Có lẽ trong mỗi chúng ta đều biết về câu chuyện thái hậu Dương Vân
Nga khoác áo bào cho vua Lê Hoàn khi giặc Tống xua quân xuống đánh
nước ta. Trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, trong khi vua Đinh Toàn còn
quá nhỏ, thái hậu Dương Vân Nga vì đại cục đã sai lấy áo long bào khoác
lên mình “thập đạo tướng quân” Lê Hoàn và trao ngôi vua cho ông.
Nhưng những dòng ngắn gọn ấy liệu có khiến chúng ta phải suy nghĩ?
Thời nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng chia quân đội làm mười đạo, người
đứng đầu là thập đạo tướng quân - người nắm giữ binh quyền, và chức tước
ấy là của Lê Hoàn. Tức việc đánh dẹp quân xâm lược vốn là nhiệm vụ của
ông, người nắm vai trò như bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời hiện đại. Vậy
tại sao ông phải lên ngôi thì mới đánh trận với quân Tống được, khi bảo vệ
bờ cõi là bổn phận của ông? Nếu vua Đinh Toàn còn nhỏ thì mang danh
khai quốc công thần ông cần giúp vua chứ sao lại cần thay ngôi?
Ngoài ra, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại: “Nguyễn
Bặc, Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế, nhưng lúc đó Dương Thái hậu
cho Lê Hoàn làm Phó Vương, nắm quyền chỉ huy quân đội, tự do ra vào
cung cấm. Nguyễn Bặc lo lắng bàn với các tướng: