thôi. Chẳng hạn như, sữa của loài hải cẩu Bắc Cực đặc quánh với hàm lượng dinh
dưỡng cực cao, nhiều chất béo, và gần như không có đường trong khi sữa của bà
mẹ loài người thì lại loãng hơn, có ít dinh dưỡng hơn, có hàm lượng đường và
chất béo thấp hơn. Việc cai sữa và chuyển sang ăn thức ăn dạng cứng kéo dài
trong khoảng thời gian có thể lên tới bốn năm ở những xã hội loài người nguyên
thủy. Ở một thái cực khác, các con non của loài chuột lang nhà và loài thỏ lớn
Nam Mĩ lại có thể chuyển sang ăn thức ăn rắn chỉ trong có vài ngày sau khi sinh
và cai sữa rất sớm ngay sau đó. Loài chuột lang nhà và thỏ lớn Nam Mĩ có lẽ tiến
hóa theo hướng của các loài chim, trong đó con non có thể sống tự lập sau khi
sinh, giống như việc gà con hay con non của loài chim sống ven bờ ngay lúc mới
sinh đã hoàn toàn có thể mở mắt, chạy nhảy và tự tìm kiếm thức ăn nhưng chưa
thể bay hay hoàn toàn điều hòa được thân nhiệt của cơ thể. Có lẽ, nếu sự sống
trên Trái đất này vẫn còn có thể tồn tại trước sự tấn công dữ dội của con người thì
thế hệ con cháu của loài chuột lang nhà hay loài thỏ lớn Nam Mĩ sẽ loại bỏ những
biến đổi mang tính tiến hóa được di truyền lại từ tổ tiên của chúng đối với quá
trình tiết sữa, trong vòng một vài cho tới hàng chục triệu năm nữa.
Do đó, những chiến thuật sinh sản khác có lẽ giúp ích cho một vài loài thú nào
đó, và điều này dường như đòi hỏi phải có một vài đột biến để chuyển đổi từ con
chuột lang nhà hay thỏ con mới được sinh ra cho tới những con thú non sơ sinh
mà hoàn toàn không cần bú sữa. Nhưng điều này vẫn chưa xảy ra: các loài thú
vẫn tồn tại, giữ lại chuyển đổi mang tính tiến hóa đối với đặc tính của chiến thuật
sinh sản của chúng. Tương tự như thế, thậm chí chúng ta nhận thấy rằng sự tiết
sữa ở giới tính đực là hoàn toàn có thể xảy ra nếu xét trên khía cạnh sinh lí học,
cho dù điều đó chỉ đòi hỏi một vài đột biến mà thôi, tuy nhiên những con cái
thuộc lớp thú lại có một sự khởi đầu tiến hóa cực kì to lớn trong việc hoàn thiện
những tiềm năng tiến hóa sinh lí học được chia sẻ giữa chúng trong việc tiết sữa.
Con cái chứ không phải con đực chịu tác động của chọn lọc tự nhiên đối với việc
sản sinh ra sữa trong gần mười triệu năm trở lại đây. Trong tất cả những loài mà
tôi dẫn chứng ra ở đây nhằm chứng minh rằng khả năng tiết sữa là điều hoàn toàn
có thể xảy ra ở các con đực, bao gồm cả ở loài người, bò, dê, chó, chuột lang nhà
và loài dơi Dyak – ở loài dơi này, những con đực xuất hiện hiện tượng tiết sữa
nhưng lượng sữa mà chúng sản sinh ra ít hơn hẳn so với những con cái.