định kiến đáng trách. Mỗi dạng định kiến này được gắn với cụm từ thật mỉa mai
là “chủ nghĩa phân biệt” (“ism”), chẳng hạn như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
(racism), chủ nghĩa phân biệt giới tính (sexism), chủ nghĩa dĩ Âu vi trung
(Eurocentrism – coi châu Âu là nhất, là trung tâm của thế giới), chủ nghĩa trọng
nam (phallocentrism – coi nam giới là trung tâm). Trong danh sách các tội “chủ
nghĩa phân biệt” hiện đại, những nhà bảo vệ động vật cũng thêm vào đó tội “chủ
nghĩa phân biệt giống loài” (species-ism). Các tiêu chuẩn về phương thức sinh
hoạt tình dục của chúng ta hoàn toàn lệch lạc, chỉ gói gọn trong mức độ loài
(speciesist), và chỉ áp dụng được trong chính loài người (human-centric) bởi bản
năng sinh dục của con người rất khác biệt nếu đem so với những tiêu chuẩn của
30.000.000 loài động vật khác. Nó cũng bất bình thường nếu so với các tiêu
chuẩn của hàng triệu loài thực vật, nấm và vi sinh vật trên thế giới, nhưng tôi sẽ
bỏ qua mối tương quan lớn hơn đó bởi tôi vẫn chưa vượt qua được chủ nghĩa
“trọng động vật” (zoocentrism: coi động vật là trung tâm) của chính mình. Cuốn
sách này chỉ giới hạn trong những chi tiết giúp chúng ta có thể hiểu được bản
năng sinh dục của loài người thông qua việc ngoại suy các vấn đề của con người
tới các loài động vật khác.
Đầu tiên, hãy xem xét cái gọi là bản năng sinh dục thông thường dựa trên những
tiêu chuẩn của gần 4.300 loài động vật có vú trên trái đất mà con người cũng là
một trong số đó. Đại đa số các loài động vật có vú không sống dưới hình thức gia
đình hạt nhân với một cặp đực-cái, cùng nhau chăm sóc con cái của chúng. Thay
vào đó, ở nhiều loài động vật có vú, các con đực và con cái thường sống đơn độc,
ít nhất là trong mùa sinh sản, và chỉ gặp gỡ để giao phối. Vì thế, các con đực
không có vai trò chăm sóc con cái như một người cha; tinh trùng là sự đóng góp
duy nhất cho con và cho người bạn tình tạm thời của chúng.
Thậm chí phần lớn động vật có tập tính xã hội như sư tử, chó sói, tinh tinh và
nhiều loài động vật có vú móng guốc cũng không kết thành từng cặp đực-cái
riêng biệt trong bầy đàn của chúng. Trong những bầy đàn như vậy, những con
đực đối xử bình đẳng với các thú con trong đàn và không có dấu hiệu gì trong
việc nhận biết được con riêng của nó. Trên thực tế, chỉ trong những năm gần đây,
các nhà khoa học nghiên cứu về sư tử, chó sói và tinh tinh mới biết được con đực
nào là cha của con nào nhờ sự trợ giúp của các xét nghiệm ADN. Tuy nhiên,
giống như bất cứ sự khái quát hóa nào, những nhận định này cũng có ngoại lệ của