6. Phụ thêm các nhân vật còn thiếu cho các truyện.
Theo thống kê của một số học giả, thì số tư liệu mà Bùi Tùng Chi dùng
để chú giải Tam quốc chí là khoảng 240 loại, gấp 3 lần so với nguyên bản
Tam quốc chí. Mã Niệm Tổ trong tác phẩm Thủy kinh chú đẳng bát chủng
cổ tịch dẫn dụng thư mục vị biên cho rằng số tư liệu mà Bùi Tùng Chi sử
dụng là 203 loại. Hiện nay, theo thống kê bản hiệu đính Tam quốc chí tại
Trung Hoa thư cục đã phát hiện phần chính văn của Trần Thọ có 366657
chữ và phần chú thích của Bùi Tùng Chi có 320799 chữ. Tống Văn Đế
đương thời gọi công việc chú thích của Bùi Tùng Chi là “bất hủ”. Các sử
gia đời sau như Tư Mã Quang (thời Bắc Tống) khi biên soạn Tư trị thông
giám đã tổng hợp các truyện ký trong Tam quốc chí của Trần Thọ và phần
chú thích của Bùi Tùng Chi để miêu tả trận chiến Xích Bích.
Bản Tam quốc chí do Bùi Tùng Chi chú thích là bản thông dụng nhất
hiện nay, còn gọi là Trần chí, Bùi chú .
Không thể phủ nhận được rằng, những sự kiện lịch sử thời Tam Quốc
cùng với các nhân vật của nó trở nên sống động, lưu truyền rộng rãi và có
ảnh hưởng sâu đậm ở khu vực châu Á một phần là nhờ ở bộ tiểu thuyết
Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Tuy nhiên cũng phải công nhận
là thời đại Tam Quốc với những biến cố long trời lở đất giống như một cái
bản lề, xoay chuyển xã hội Trung Quốc từ thịnh trị của đời Hán sang hỗn
loạn của những Bát vương chi loạn, Ngũ Hồ loạn Hoa, Thập Lục quốc. Rất
nhiều nguyên nhân của cả thịnh trị lẫn loạn lạc này để lại dấu vết trong thời
đại Tam Quốc và được ghi lại trong Tam Quốc chí chú. Như vậy có thể nói
Tam Quốc chí chú là một sử liệu hiếm hoi có cả sức cuốn hút lẫn giá trị
khảo cứu cao.