làn khí đỏ trãi suốt từ Đông sang Tây, quan Thái Sử tâu lên : “Đương có
âm mưu, không nên bắc hành”. Vua bèn dừng lại, hạ lệnh cho Phân bãi
binh, sai gọi đến. Phân sợ, tự sát. Ngụy Thư có thuật lời Thái Tổ cự Phân
rằng: “Phế lập là chuyện bất tường cho cả thiên hạ. Người xưa phải nắm
hết quyền bính trong tay, tính hết các lẽ nặng nhẹ, như Y Doãn, Hoắc
Quang mới dám nghĩ đến chuyện đó. Y Doãn đã tỏ được lòng trung, lại có
thế là Tể Tướng, trên hết các quan, nắm mọi đường tiến thoái — việc mới
thành. Lại đến Hoắc Quang, nhận lời ủy thác gửi nước, ngồi ở ngôi tông
thần. Bên trong nhờ có Thái Hậu nắm hết việc chính trị trọng yếu, bên
ngoài lại có sự ủng hộ của các quan. Xương Ấp mới lên ngôi, chưa lấy
được lòng quý thích, trong triều cũng không có ai ho he để có thể cùng bàn
tính riêng. Nếu không gồm hết những yếu tố này, việc há đã thành. Nay các
ông chỉ thấy những thành công đời xưa mà không nhận ra khó khăn hiện
tại. Các ông thử tính xem, cộng tất cả các ông lại, có đông bằng ‘thất quốc’
không? Cái quý phái của Hợp Phì Hầu, liệu có bằng Ngô, Sở không
Phàm làm chuyện phi thường, khắc kỵ dục vọng, sao các ông tránh được
tai họa!”
Người Kim Thành là Biện Chương, Hàn Toại giết Thứ Sử, Thái Thú làm
phản, đông đến hơn 10 vạn người. Thiên hạ tao động. Thái Tổ được vời
làm Điển Quân Hiệu Úy. Rồi Linh Đế mất, Thái Tử lên ngôi. Đại Tướng
Quân Hà Tiến cùng Viên Thiệu mưu diệt Hoạn quan, Thái Tổ không theo.
Tiến muốn vời Đổng Trác, nhằm tạo thế uy hiếp Thái Hậu.
Ngụy Thư: Tin đến tai, Thái Tổ cười rằng “Quan hoạn xưa nay có bao
giờ không có. Chẳng qua gần đây các vua cho chúng nhiều quyền hành, ân
huệ quá mới nên nổi. Muốn trị bọn này, cứ giết mấy tên đầu sỏ, chỉ cần một
viên ngục quan là đủ, cần gì phải gọi đến các tướng bên ngoài! Bằng như
muốn diệt sạch bọn này, việc thể nào cũng lộ ra, tôi nghĩ là sẽ thất bại”
Trác chưa đến, Tiến đã bị giết.
Trác đến rồi, bèn phế vua làm Hoàng Nông Vương và lập Hiến Đế, Kinh
Đô đại loạn. Trác xin cho Thái Tổ làm Kiêu Kỵ Hiệu Úy, muốn dùng. Thái
Tổ bèn đổi tên họ, bỏ trốn về Đông.