Hoàng thái hậu nguy nan, xã tắc nghiêng ngả. Thần lạm giữ quyền lớn,
phận tại giúp nước, sợ rằng thân chết thì tội trạng càng nặng. Muốn noi
theo cái quyền của Y, Chu để dẹp nạn của xã tắc, liền sai ngựa chạy nhanh
báo lệnh, không được ép gần xe kiệu, nhưng Tế vội xông vào trận, dẫn đến
biến loạn. Thần vẫn đau xót tiếc nuối, ruột gan rã rời, không biết có mảnh
đất nào mà tự chui xuống? Xét theo luật kẻ phản nghịch vô đạo thì cha mẹ
vợ con đều bị chém. Tế hung ác ngang ngược, phạm loạn phép cấm, tội
chẳng dung tha. Liền sai quan Thị ngự sử bắt người nhà của Tế giao cho
quan Đình úy, xét xử tội trạng”.
Ngụy thị xuân thu chép: Anh em Thành Tế không trị tội ngay, lúc bị cởi
trần lên điện, nói lời khinh nhờn; (Đại tướng quân Văn Vương) liền tự lấy
cung bắn, bèn chết.
Thái hậu hạ chiếu nói: “Trong năm loại tội, chẳng gì lớn bằng tội bất
hiếu. Người có con bất hiếu, vẫn dạy mà trị tội. Thằng ấy há còn được làm
vua của muôn người sao? Ta là đàn bà không đạt được nghĩa lớn ấy để cho
Tế không được sửa lỗi phản nghịch vậy. Nhưng ý Đại tướng quân rõ ràng,
nói lời đau xót, cho nên nghe theo lời tấu. Nên bố cáo gần xa khiến cho đều
được biết gốc ngọn”.
Thế ngữ chép: Lúc trước vào giữa năm Thanh Long, Thạch Bao bán sắt
ở Trường An, được gặp Tư Mã Tuyên Vương, Tuyên Vương biết người này.
Sau đó chọn làm Thượng thư lang, làm Thanh Châu Thứ sử, Trấn đông
Tướng quân. Giữa năm Cam Lộ vào chầu, sắp về, vào từ biệt Cao Quý
Hương Công, ở lại cả ngày. Văn Vương sai người xin lệnh đi qua. Văn
Vương hỏi Bao rằng: “Sao ở lại lâu”? Bao nói: “Là vì không phải người
tầm thường vậy”. Hôm sau đi đến Huỳnh Dương, mấy ngày sau thì xảy ra
biến loạn.
Tháng sáu ngày quý sửu, hạ chiếu nói: “Thời xưa vua đặt tên chữ, khó
phạm mà đổi tên. Ngày nay tên húy của Thường Đạo Hương Công rất khó
tránh, triều đình bàn bạc nên đổi sửa, tấu lên”.