giới này. Kỳ thực, việc định vị chuẩn xác lẫn nhau thông qua trao đổi
truyền tin thế này cũng chỉ thực hiện được giữa các ngôi sao có khoảng
cách rất gần như Mặt trời và Tam Thể mà thôi, đối với người quan sát thứ
ba ở xa hơn một chút, kể cả chúng ta có trực tiếp trao đổi thông tin với họ,
đôi bên cũng chẳng thể nào xác định được vị trí của nhau.”
“Tại sao?”
“Đánh dấu vị trí của một ngôi sao cho những người quan sát khác trong
vũ trụ không hề đơn giản như mọi người tưởng tượng, tôi lấy một ví dụ
nhé: khi anh ngồi máy bay bay qua sa mạc Sahara, ở bên dưới có một hạt
cát hét lên với anh ‘tôi đang ở đây’, mà anh cũng nghe thấy tiếng hét đó,
vậy anh có thể ngồi trên máy bay mà xác định được vị trí của hạt cát ấy hay
không? Trong hệ Ngân Hà có khoảng gần hai trăm tỷ ngôi sao, có thể coi
như là một sa mạc mà mỗi hạt cát chính là một ngôi sao rồi.”
La Tập gật đầu, tựa như trút đi được gánh nặng: “Tôi đã hiểu, vậy thì
đúng rồi.”
“Cái gì đúng rồi?” Ringier thắc mắc.
La Tập không trả lời, mà lại hỏi tiếp: “Với trình độ công nghệ của chúng
ta, nếu muốn đánh dấu vị trí của một ngôi sao nào đó cho vũ trụ thì làm như
thế nào?”
“Dùng sóng điện từ tần số cực cao có khả năng định vị, loại tần số này
hẳn là phải đạt đến hoặc cao hơn cả tần số của ánh sáng nhìn thấy được,
phát đi thông tin với công suất cấp độ ngôi sao. Nói một cách đơn giản, tức
là làm cho ngôi sao đó sáng chói lên, biến nó thành một ngọn hải đăng
trong vũ trụ.”
“Điều này vượt xa khả năng công nghệ của chúng ta mà.”