…
Các thông tin như trên lần lượt hiển thị trên màn hình nhỏ trước mặt
người thí nghiệm, thời gian hiển thị mỗi mệnh đề là bốn giây, người thí
nghiệm sẽ tự đưa ra phán đoán và ấn nút tương ứng ở bên trái hay bên phải.
Đầu anh ta nằm trong một cái lồng kim loại, máy quay giải tích chụp lại
hình ảnh toàn ký của bộ não, dữ liệu này sau khi được máy tính xử lý sẽ trở
thành mô hình mạng lưới neuron ở trạng thái động có thể phân tích được.
Đây là giai đoạn đầu trong dự án nghiên cứu về tư duy của Hines, người
thí nghiệm chỉ suy nghĩ thực hiện những phán đoán dạng đơn giản nhất, các
mệnh đề kiểm tra đều thuộc loại ngắn gọn, đồng thời có đáp án rõ ràng. Khi
tư duy đơn giản như vậy, cơ chế vận hành của mạng lưới neuron não bộ
tương đối dễ nhận biết, vì thế, có thể coi đây như bước khởi đầu để đi sâu
nghiên cứu về bản chất của tư duy con người.
Nhóm nghiên cứu do Hines và Yamasuki Keiko đứng đầu đã đạt được
một số bước tiến nhất định, họ phát hiện ra, tư duy phán đoán không nảy
sinh từ một vị trí đặc biệt, xác định nào đó trên mạng lưới neuron của não
bộ, mà có mô thức truyền dẫn xung thần kinh đặc thù, với sự hỗ trợ của
những máy tính siêu mạnh, họ có thể tìm kiếm và định vị mô thức này trên
mạng lưới neuron rộng lớn. Phương pháp này rất giống phương pháp định
vị sao mà nhà thiên văn Ringier cung cấp cho La Tập: tìm kiếm một sơ đồ
vị trí nhất định giữa biển sao. Nhưng trong “vũ trụ não bộ”, sơ đồ này ở
trạng thái luôn biến động, chỉ có thể nhận biết qua đặc trưng toán học của
nó, giống như tìm kiếm một xoáy nước nhỏ bé giữa đại dương mênh mông
vậy, lượng phép tính phải thực hiện so với định vị ngôi sao còn lớn hơn
mấy bậc độ lớn, cũng chỉ có loại siêu máy tính mới nhất này mới làm được.
Vợ chồng Hines chậm rãi bước đi giữa ảnh chụp toàn ký của não bộ, mỗi
khi nhận ra một điểm tư duy phán đoán trong não bộ của người thí nghiệm,
máy tính sẽ dùng ánh sáng đỏ nhấp nháy đánh dấu trên vị trí tương ứng của
bản đồ. Kỳ thực, phương pháp hiển thị này chỉ để cung cấp một hình ảnh