13. Hồng Ngạn phần 2
Khi mới gia nhập căn cứ Hồng Ngạn, Diệp Văn Khiết không được phân
cho công việc cố định nào, chỉ làm một số việc lặt vặt về kỹ thuật dưới sự
giám sát của một nhân viên an ninh.
Từ thời học đại học năm thứ hai, Diệp Văn Khiết đã rất thân thiết với
thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh sau này của cô. Ông từng nói với Diệp Văn
Khiết, nghiên cứu vật lý thiên văn mà không hiểu kỹ thuật thực nghiệm,
không có năng lực quan sát thì lý thuyết giỏi mấy cũng vô dụng, ít nhất ở
Trung Quốc là như thế. Điều này khác hẳn với quan điểm của cha cô.
Nhưng Diệp Văn Khiết có khuynh hướng đồng tình với cách nhìn nhận của
giáo sư, cô luôn có cảm giác cha mình quá lý thuyết. Thầy giáo cô là một
trong những người sáng lập nên ngành thiên văn vô tuyến của Trung Quốc,
dưới sự ảnh hưởng của ông, Diệp Văn Khiết cũng bắt đầu nảy sinh hứng
thú với thiên văn vô tuyến, vì vậy cô đã tự học thêm chuyên ngành kỹ sư
điện tử và máy tính
(*)
, đây là cơ sở kỹ thuật để thực nghiệm và quan trắc
của ngành học này. Trong hai năm nghiên cứu sinh, cô và thầy giáo đã cùng
vận hành thử kính thiên văn vô tuyến cỡ nhỏ đầu tiên trong nước, tích lũy
khá nhiều kinh nghiệm trên phương diện này. Thật không ngờ, những kiến
thức ấy của cô lại có ích ở căn cứ địa Hồng Ngạn.
(*) Vào thời đó, ở hầu hết các trường đại học, hai chuyên ngành này là
một. (TG)
Ban đầu, Diệp Văn Khiết phụ trách kiểm tra và sửa chữa thiết bị ở bộ
phận phát xạ, rồi nhanh chóng trở thành cốt cán kỹ thuật không thể thiếu
của bộ phận này, cô lấy làm khó hiểu về điều đó. Cô là người duy nhất
không mặc quân phục trong căn cứ này, thêm nữa, do thân phận đặc biệt
của cô, mọi người đều giữ khoảng cách nhất định, khiến cô chỉ có thể dốc
hết tâm trí vào công việc để vợi bớt nỗi cô đơn. Nhưng điều này cũng
không đủ để giải thích vấn đề, đây dẫu sao cũng là dự án quốc phòng trọng
điểm, lẽ nào trình độ của nhân viên kỹ thuật ở đây lại tầm thường đến thế,