14. Hồng Ngạn phần 3
Một phần hồ sơ về công trình Hồng Ngạn, thời gian giải mật của những
tài liệu này là ba năm sau khi Diệp Văn Khiết kể cho Uông Diểu nghe về
nội tình ở căn cứ Hồng Ngạn.
I. Một vấn đề quan trọng bị bỏ qua trong xu thế nghiên cứu khoa
học cơ bản của thế giới (bài vốn được đăng trong “Tham khảo nội bộ”
ngày ... tháng ... năm 196...)
Tóm tắt: Từ lịch sử cận đại và hiện đại có thể thấy, có hai hình thức để
chuyển hóa thành quả nghiên cứu lý thuyết khoa học cơ bản thành kỹ thuật
ứng dụng: hình thức tiệm tiến và hình thức đột biến.
Hình thức tiệm tiến: thành quả lý thuyết cơ sở được chuyển hóa thành kỹ
thuật ứng dụng theo từng bước, kỹ thuật dần dần tích lũy, cuối cùng sẽ nảy
sinh đột phá. Ví dụ gần đây nhất là sự phát triển và đột phá của kỹ thuật
hàng không vũ trụ.
Hình thức đột biến: thành quả lý thuyết cơ sở được nhanh chóng chuyển
hóa thành kỹ thuật ứng dụng, sinh ra đột biến về mặt kỹ thuật. Ví dụ gần
đây nhất là sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân: cho đến thập niên 40, vẫn có
một bộ phận các nhà vật lý xuất sắc nhất cho rằng giải phóng năng lượng
nguyên tử là điều bất khả. Nhưng không lâu sau vũ khí hạt nhân đã đột ngột
xuất hiện, chuyển hóa từ khoa học cơ sở sang kỹ thuật ứng dụng có khoảng
cách cực lớn trong thời gian cực ngắn, chúng ta định nghĩa đó là đột biến
về mặt công nghệ.
Hiện nay, nghiên cứu cơ bản của NATO và khối Warszawa đã có sự nhảy
vọt chưa từng thấy, đầu tư cực lớn. Vì vậy, một hoặc nhiều hạng mục có đột
biến về mặt kỹ thuật là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này là mối uy
hiếp rất lớn đối với quy hoạch chiến lược của chúng ta.
Bài viết cho rằng, trước mắt tầm nhìn của chúng ta chủ yếu tập trung
vào việc phát triển kỹ thuật theo hình thức tiệm tiến, mà chưa coi trọng đầy