15. Hồng Ngạn phần 4
“Cô Diệp, cháu có một thắc mắc: lúc đó, tìm kiếm văn minh ngoài Trái
Đất chỉ được coi là một nghiên cứu cơ bản ngoải rìa, tại sao công trình
Hồng Ngạn lại có cấp độ bảo mật cao như vậy?” Nghe Diệp Văn Khiết kể
xong, Uông Diểu hỏi.
“Thực ra, ngay từ giai đoạn đầu tiên của công trình Hồng Ngạn đã có
người đưa ra câu hỏi này, đồng thời kéo dài đến lúc Hồng Ngạn kết thúc.
Bây giờ, chắc cậu đã có đáp án rồi, chúng ta chỉ biết khâm phục tư duy vượt
xa thời đại từ người quyết định tối cao của công trình Hồng Ngạn này mà
thôi.”
“Đúng vậy, quả là vượt xa thời đại.” Uông Diểu gật đầu
Một khi tiếp xúc với nền văn minh ngoải Trái đất, xã hội loài người sẽ
gặp ảnh hưởng ra sao và mức độ ảnh hưởng như thế nào, điều này mới chỉ
được coi như một chủ đề nghiêm túc và nghiên cứu sâu một cách có hệ
thống trong một hai năm gần đây. Nhưng hạng mục nghiên cứu này đã
nhanh chóng nóng lên, kết luận đưa ra khiến người ta phải giật mình hốt
hoảng. Những ước mong mang tính lý tưởng chủ nghĩa ngây thơ trước đây
đều đã bị sụp đổ, các học giả phát hiện, trái ngược với mong muốn tốt đẹp
của đại đa số mọi người, nhân loại không thể đoàn kết thành một khối để
tiếp xúc với văn minh ngoài Trái đất. Hiệu ứng mà sự tiếp xúc này gây ra
cho văn hóa loài người không phải là kết hợp, mà là chia tách, xung đột
giữa các nền văn minh khác nhau của loài người không những không tiêu
biến mà còn tăng thêm. Nói tóm lại, một khi có tiếp xúc, sự khác biệt trong
nội bộ nền văn minh Trái đất sẽ nhanh chóng kéo dãn khoảng cách, dẫn tới
hậu quả khôn lường. Kết luận kinh người nhất là: hiệu ứng này hoàn toàn
không có quan hệ gì đến mức độ và phương thức tiếp xúc (một chiều hoặc
hai chiều), hay mức độ tiến hóa và hình thành của nền văn minh ngoải Trái
đất mà chúng ta có khả năng tiếp xúc!